Có 702 doanh nghiệp Nhật đang đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia trả lời cuộc khảo sát diễn ra ngay thời điểm Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19.
Kết quả khảo sát cho thấy bất chấp khó khăn do đại dịch, 54,3% doanh nghiệp dự báo có lãi trong năm 2021, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước. Tỉ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 28,6%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với năm trước. Các doanh nghiệp Nhật ở khu vực miền Bắc dự kiến đạt lợi nhuận cao hơn miền Nam. Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022, 56,2% doanh nghiệp trả lời có thể "cải thiện" trong khi tỉ lệ bị "suy giảm" chỉ 9,6%.
Đáng lưu ý, ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện JETRO tại TP HCM, cho biết có 55,3% doanh nghiệp được hỏi cho biết có định hướng phát triển kinh doanh ở Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới, tăng tới 8,5 điểm phần trăm so với năm trước. Tỉ lệ này đứng đầu ASEAN, chỉ xếp sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.
Ở chiều ngược lại, tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến thu nhỏ hoạt động hoặc chuyển, rút sang các quốc gia trong khu vực chỉ là 2,2%, giảm 3,9 điểm phần trăm so với năm trước. Tỉ lệ này thấp hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân bởi doanh nghiệp kỳ vọng tăng doanh thu tại thị trường nội địa Việt Nam và tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu.
"Thời điểm khảo sát là giai đoạn giãn cách xã hội nhưng nhiều doanh nghiệp được hỏi vẫn trả lời sẽ hướng đến mở rộng hoạt động kinh doanh, nhất là hướng tới thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng của Việt Nam. Đặc biệt, khối doanh nghiệp phi sản xuất như bán lẻ, tiêu dùng đánh giá cao thị trường nội địa Việt Nam. Cũng trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt, không có doanh nghiệp nào rút khỏi thị trường Việt Nam. Vừa qua, Aeon còn khởi công trung tâm thương mại ở Bình Dương" - ông Hirai Shinji thông tin.
Theo các chuyên gia của JETRO, tốc độ đầu tư mới và mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam trong năm nay phụ thuộc đáng kể vào quy định về tình hình đi lại giữa 2 nước. Vừa qua, Vietnam Airlines đã nối lại đường bay với Nhật. Nếu các đường bay quốc tế được khai thác trở lại thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư mới tìm kiếm cơ hội từ thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, chất lượng nhân viên cao... là những điểm nổi bật của Việt Nam so với các quốc gia ASEAN khác. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ tin tưởng vào chính sách ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19 của Việt Nam.
Dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cũng e ngại rủi ro về thủ tục hành chính phức tạp, tỉ lệ nghỉ việc của nhân viên cao dù năm 2021, tại các doanh nghiệp của Nhật Bản, lương tăng trung bình 5,4%.
Xem thêm: mth.54353901291102202-man-teiv-iat-ut-uad-gnor-om-tahn-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln