Người ở trọ thì tính ở lại ăn Tết, vì thiếu tiền về quê. Dân tại chỗ thì tranh thủ mua sớm những thực phẩm có thể mua được để tránh bị lên giá những ngày sát Tết.
Anh Vạn, chị Thu thích uống cà phê sữa. Quê chồng Đắk Lắk, thi thoảng người thân gửi cà phê xuống TP.HCM làm quà, chị mua sữa để mỗi sáng vợ chồng nhâm nhi ly cà phê sữa.
Gói ghém giấc mơ Tết
Nhưng đó là chuyện bốn năm trước. Chị Phạm Thị Thu bỏ uống cà phê sữa bốn năm nay rồi, anh Phạm Quốc Vạn thi thoảng thèm lắm mới làm ly cà phê đen. Cà phê sữa đã thành xa xỉ với vợ chồng lao động tự do này. Tiết kiệm hết mức để có thể trụ lại thành phố là điều dù chẳng nói ra nhưng vợ chồng đều hiểu.
Trước khi dịch COVID-19 tới, mỗi ngày anh chị xay 3kg bột làm bánh xèo bán và nhiều hôm chẳng còn bánh mà bán. Giờ mỗi ngày anh chị xay có 1kg bột nhưng ngày bán hết ngày không. Chị đã bán thêm cả bánh cuốn, bò lá lốt, cũng chẳng mấy khấm khá.
Còn gần chục ngày nữa là Tết. Năm nay là cái Tết thứ tư anh chị không về. Tầm này 5 năm trước, nhà chị bắt đầu rộn rã. Cậu con nhỏ háo hức đếm ngày về quê ông bà. Vợ chồng tính lại tiền, sắm sửa quần áo mới cho con, dự tính về quê mua gì làm quà.
Tết năm nào cũng phải có trong túi 20 triệu đồng, vợ chồng mới dám về.
Vài tuần trước, một người họ hàng đến chơi tặng con bộ quần áo. Chị cất kỹ vào tủ đợi Tết mang ra cho con mặc. Vậy là đỡ khoản lo. Tối 23 này, con họ sẽ theo xe người quen về Quảng Ngãi đón Tết cùng chị gái ở quê. Anh chị ở lại Sài Gòn làm tới 29 thì nghỉ ngơi, mùng 2 bán lại.
Mấy năm trước, chị hay mua cặp vạn thọ chưng cho có không khí Tết, người quen để giá 100.000 đồng. Nhưng năm nay, họ chỉ tính mua lọ bông cúc đặt bàn thờ ông Địa, ông Thần tài.
"Năm nay ở lại để tiết kiệm thôi, chứ vợ chồng chẳng đi đâu. Ở nhà ngủ mấy ngày cho đã" - chị cười kể thêm giấc mơ của chị ngày Tết đơn giản lắm, là ngủ cho đã.
Chị Thu nay đã 51 tuổi, quê Quảng Ngãi. Anh chị vào Sài Gòn cũng hơn chục năm nay với món bánh xèo đặc sản quê hương chị. Chăm chỉ làm ăn, Tết năm nào, họ cũng dắt díu nhau về hai quê. Cứ bán hết ngày 29, sáng 30 cả nhà lên xe đò về. Nếu mùng 1, mùng 2 ở nội (Đắk Lắk) thì mùng 3 họ sẽ lên đường về ngoại (Quảng Ngãi) và ngược lại.
"Cả năm mới về, cũng muốn mua chút quà. Mà bốn năm nay túng quá, tiền đâu mà về. Năm sau nếu tình hình cũng vậy, chắc tôi bứng cả nhà về quê luôn", chị Thu tâm sự.
Căn phòng trọ rộng 15m2 ở khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh) là nơi sinh sống của gia đình ba người của chị. Nhà tôn như lò hầm.
Cái máy lạnh ông ngoại mua tặng cháu lúc chào đời, nhưng từ hồi về đây nó cũng nằm cô đơn một góc. Nhà tôn nhiều khoảng hở, họ bán máy lạnh thì sợ mất giá mà để thì không biết lắp ở đâu. Họ cất nó vào thùng giấy gói cẩn thận đặt trên gác xép ngay chỗ nằm.
Nhưng có lẽ "gia sản" đặc biệt nhất của họ ở phòng trọ là những tờ giấy khen của con trai. Thằng bé học giỏi, nhất là tiếng Anh. Sách vở bút mực cha mẹ chẳng tốn tiền mua, đều là quà nhà trường tặng học sinh giỏi.
Những tờ giấy khen của con được anh bọc kỹ mấy lần túi bóng, cất cẩn thận trên gác xép nhỏ. Với anh chị những tờ giấy khen của con còn quý hơn vàng...
Vui Tết nhưng phải biết lo xa
Vui vẻ trò chuyện, chị Thạch Thị Hạnh (51 tuổi) cứ gạt mồ hôi lã chã trên gương mặt. Thành phố hôm nay khá nóng, chị đẩy chiếc xe đi bán trái cây dạo mà mồ hôi nhỏ cả xuống đường.
"Tết hả? Vợ chồng tôi chắc không về quê đâu. Ổng ở lại tiếp tục làm bảo vệ, còn tui tiếp tục đi bán trái cây, lúc đó chắc bán đỡ hơn và Tết nhứt người ta cũng ít trả giá", chị Hạnh nhẹ nhàng trò chuyện.
Quê Trà Vinh, vợ chồng gốc Khmer này lên thành phố được gần 10 năm và đang trọ trong con hẻm nhỏ gần bến xe Miền Tây, quận Bình Tân. Con cái đã có gia đình ở riêng, vợ chồng thuê nhà trọ sống với nhau, làm lụng và dành dụm dư được chút thì phụ con nuôi cháu.
Tâm sự Tết nhất, người phụ nữ này chỉ cười nói "có gì ăn nấy" nhưng điều chắc chắn là họ sẽ tiết kiệm. Chị tính sẽ: "Nấu cho vợ chồng nồi thịt kho và ráng mua cho ổng thêm thùng bia, vậy là đủ Tết". Hoa thì chị chỉ mua một chậu cúc để phòng trọ nhưng chắc sẽ mua vào chiều 30 Tết cho rẻ, còn trái cây thì khỏi cần vì chị... "đầy đồ ế".
Chỉ còn ít ngày nữa là Tết, nhưng vẫn ít khách khứa mua đồ của chị. Chiếc xe đẩy tự chế, chị chỉ chất lên đó khoảng 20 - 30kg trái cây mỗi ngày mà bán hết thì lời được 300.000 - 400.000 đồng. Nhưng ngày 21 tháng chạp đến tận trưa rồi mà chị mới chỉ bán được vài ký ổi, kiếm lời chưa nổi 20.000 đồng.
"Người Khmer mình ăn hai cái Tết, nhưng với tụi tôi thì Tết nào cũng phải tiết kiệm. Mình lớn tuổi rồi, phải biết tính toán, Tết nhất cũng cần vui cửa vui nhà nhưng làm sao đừng để nợ nần, bệnh tật gì lại không có tiền để lo", chị Hạnh tâm sự chín chắn.
Niềm vui bất ngờ
Trong khi đó, gia đình chị Trần Thị Dung (47 tuổi), trọ ở hẻm 575, đường tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, thì lại đang có niềm vui bất ngờ và ríu rít chuẩn bị về quê ăn Tết. Chị Dung đi bán vé số, khi thì tranh thủ nhặt thêm ve chai hay cặp thúng bánh cam bánh bò để "không bán được cái này thì hy vọng bán được cái khác".
Hai con nhỏ phải gửi ông bà nuôi đi học ở quê ngoại tận An Giang, vợ chồng chị lên thành phố mưu sinh, và anh có việc phụ hồ bữa đực bữa cái.
Mùa Tết khó khăn này, chị Dung bán vé số ế, bán bánh cũng dư, đang rầu rĩ chưa biết tiền đâu về quê với con thì tự nhiên "trời cho ông khách hay mua số của tui trúng cả chục tờ giải ba, thế là ổng tìm gặp tui tặng lại cho một tờ lấy lộc".
Tự dưng được 10 triệu đồng tiền tặng, vợ chồng chị mừng như chính mình được trúng số và quyết định 28 tháng chạp, sẽ đi xe đò về quê ăn Tết với cha mẹ và con nhỏ.
"Tui tính kỹ lắm rồi, vé xe hai lượt cho vợ chồng hết hơn 1 triệu, lấy 2 triệu mua quà, còn gần 7 triệu đồng về quê đi chợ Tết mua sắm cho con bộ quần áo mới và ít thịt thà, chả, trứng cho cả nhà ăn Tết. Chợ quê cũng rẻ hẳn so với thành phố, số tiền đó dư mua", chị Dung cười nói về niềm vui Tết sắp tới và kể thêm hai con nhỏ nghe cha mẹ sắp về mà mừng quá, nhảy nhót, ca hát líu lo qua điện thoại...
Dù có vẻ trầm hơn trước đây, nhưng mấy hôm nay nhiều con hẻm nhỏ trong các khu dân cư lao động nghèo đã dần xuất hiện không khí Tết. Người ở nhà, tranh thủ rửa cái sân, sơn lại cái cửa. Người đi làm thì chiều về chở ít bánh trái, thực phẩm...
Chị Mỹ Hà (ở khu hẻm 300, phường 16, quận 4), vừa bỏ bao gạo vào sân, vừa cười nói: "Mình lao động, ít tiền, năm nay lại khó khăn quá nên phải tính mua gì thì nên mua sơm sớm, chứ sát Tết đồ thường lên giá".
Người hàng xóm chị cũng chia sẻ tương tự: "Thứ gì không sợ hư thì cứ cỡ rằm tháng chạp là tui mua luôn. Để gần 30 mới mua thì vừa đông người vừa mắc mỏ". Họ nói năm nay chắc không mua hoa chậu mà chỉ mua vài cành cắm bình hoa để bàn cho tiết kiệm để con cháu được thêm một, hai bữa ăn ngon.
Trước khi được giải cứu, những người làm "việc nhẹ lương cao" tại các casino ở Campuchia đã từng nghĩ không còn được ăn Tết ở quê nhà nữa.