Gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang được xem là kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhiều so với việc nắm giữ vàng, ngoại tệ, hay đầu tư chứng khoán…
Người dân dồn tiền vào ngân hàng
Theo khảo sát, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngày 10-2 nhiều ngân hàng vẫn giữ lãi suất cũ. Riêng nhóm ngân hàng lớn như Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank có lãi suất kỳ hạn từ 6-11 tháng đang là 6 - 6,1%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều có chung mức lãi suất là 7,4%/năm.
Hay như MSB, ngân hàng này vẫn giữ nguyên biểu lãi suất được niêm yết từ ngày 23-11-2022. Theo đó, khách hàng gửi trực tuyến từ 6 tháng đến 11 tháng đang là 9,2%/năm, 12 tháng là 9,3%/năm, từ 13-36 tháng là 9,4%/năm.
Tuy nhiên, để thu hút tiền gửi nhàn rỗi từ khách hàng, MSB hiện áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” nếu người gửi tiền đáp ứng được một số điều kiện như: tại thời điểm mở sổ gửi tiết kiệm online không có sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi… tại MSB và số tiền gửi tối đa là 5 tỉ đồng sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 9,9%/năm.
Cụ thể, chính sách này đưa ra mức lãi suất 9,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng), 9,8%/năm (kỳ hạn 12 tháng), 9,9%/năm (kỳ hạn 15 và 24 tháng).
Tương tự, VPBank không thay đổi lãi suất tiền gửi trong suốt hơn 2 tháng gần đây. Theo đó, người gửi có số tiền dưới 10 tỉ đồng, chọn kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 có chung mức lãi suất là 8,7%năm (khi gửi tại quầy) và 8,8%/năm (khi gửi online). Lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 9,1%/năm, (tại quầy) và 9,2%/năm (online).
Tiền gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư hấp dẫn |
Một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất
Hiện đã có một số nhà băng điều chỉnh giảm lãi suất huy động nhưng biên độ giảm không đáng kể.
Chẳng hạn, ngày 8-2 vừa qua, ngân hàng NCB đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cuối kỳ là 8,9%/năm, nhích 0,05%/năm so với trước.
Trong khi đó, cùng kỳ hạn này nhưng chọn hình thức gửi trực tuyến, người gửi sẽ được nhận mức lãi suất là 9,3%/năm, thấp hơn 0,2%/năm so với cách đây vài ngày.
Khách hàng đến phòng giao dịch, chi nhánh của ngân hàng NCB để gửi tiền kỳ hạn 12 tháng, lãi cuối kỳ sẽ là 9%/năm, tăng 0,15%/năm; nhưng gửi online lại hạ từ mức 9,7%/năm xuống còn 9,45%/năm, tương đương giảm 0,25%/năm.
Đầu tháng 2, lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy và trực tuyến của ngân hàng này chênh lệch từ 0,9%/năm thì hiện khoảng cách này chỉ còn 0,4%/năm.
Tương tự, đầu tuần này, riêng lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng vẫn được ngân hàng SCB neo ở mức kịch trần, 6%/năm. Trong khi đó, nhà băng này đồng loạt giảm lãi suất huy động của tất cả các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng với biên độ là 0,5%/năm.
Theo đó, từ ngày 6-2, khách hàng chọn kỳ hạn 6 tháng, lãi cuối kỳ và gửi online sẽ chỉ được nhận mức lãi là 9,4%/năm. Hay như, chọn kỳ hạn gửi tiền 12 tháng, lãi cuối kỳ ngay trên ứng dụng mobile banking sẽ được nhận mức lãi là 9,45%/năm, trong khi đó mức lãi suất trước đây là 9,95%/năm.
Đối với khách hàng gửi tại quầy, mức lãi suất của các kỳ hạn từ 1-11 tháng vẫn giữ nguyên so với biểu lãi suất trước. Đối với kỳ hạn 12 tháng giảm 0,45%/năm xuống còn 9,5%/năm, từ kỳ hạn 15 – 36 tháng cùng giảm 0,5%/năm và áp dụng chung mức trả lãi là 9,1%/năm. Như vậy, độ vênh giữa lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy và gửi trực tuyến tại SCB là gần như ngang bằng nhau.
Trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỉ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023.