Theo tờ Japan Times, những công dân trẻ của Trung Quốc đang dần rẽ lối sang một con đường riêng để thoát khỏi truyền thống hôn nhân và áp lực sinh con của xã hội nước này.
Chị Zhang Yanxin, một giáo viên trung học 28 tuổi ở thành phố Hạ Môn, phía đông nam tỉnh Phúc Kiến, cho biết phần lớn giới trẻ Trung Quốc thường quan tâm đến việc tập trung phát triển bản thân nhiều hơn trước khi có con.
Cũng theo chị Zhang, sẽ rất khó khăn để có thể duy trì chất lượng cuộc sống ổn định khi có con vì sau khi sinh con, các bậc cha mẹ phải tập trung cả về tinh thần và tài chính để chăm lo cho chúng.
Không chỉ Zhang, mà tại Trung Quốc hiện nay cũng có rất nhiều thanh niên có quan điểm và suy nghĩ giống như chị. Đây cũng chính là nguyên nhân đằng sau khiến tỉ lệ sinh tại đất nước triệu dân ngày càng giảm, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Theo dữ liệu do Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 17-1, dân số nước này giảm xuống còn 1,41 tỉ người trong năm 2022, tức giảm 850.000 người. Hơn nữa tỉ lệ sinh của quốc gia này cũng giảm xuống còn 6,77 ca trên 1.000 người trong năm 2022, giảm từ 7,52 ca sinh so với năm 2021 và đạt mức thấp nhất kể từ năm 1949.
Bên cạnh đó, kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện gần đây bởi Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc kết hợp với một số tổ chức về dân số hàng đầu khác cũng cho thấy nhiều thanh niên nước này muốn ổn định sự nghiệp và tích lũy tài sản trước khi lập gia đình.
Vì sao người trẻ sợ sinh con?
Chị Yin Jianghao, một người làm việc trong ngành công nghiệp game ở thành phố Thành Đô, cho biết các yếu tố kinh tế thường là nguyên nhân chính khiến nhiều cặp vợ chồng quyết định trì hoãn việc sinh con.
Sinh hoạt phí hiện nay tại Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, khiến việc trả các khoản nợ thế chấp cũng như thanh toán chi phí mua ô tô của mọi người càng trở nên khó khăn hơn.
Không những vậy, nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ già cũng trở thành một gánh nặng khác đè nặng lên đôi vai những người xuất thân từ các gia đình chỉ có một con như vợ chồng chị Yin.
Người phụ nữ 27 tuổi nói rằng nếu muốn có con, họ cần phải nghĩ đến chi phí giáo dục đắt đỏ, thời gian phải dành ra cho việc chăm sóc con cái và gánh nặng tài chính để duy trì một gia đình ba người.
Bà Chen Feinian, nhà xã hội học tại Đại học Johns Hopkins, cho biết gánh nặng về vấn đề tài chính khi có con càng trở nên trầm trọng hơn do vấn đề sức khỏe cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe phát sinh từ đại dịch COVID-19.
Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, con cái thường được xem như một “gói bảo hiểm” để chăm sóc cha mẹ khi về hưu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thanh niên nước này không còn tuân theo truyền thống đó, thậm chí nhiều người còn quyết định không sinh con nếu họ không bị cha mẹ gây áp lực.
Những phương án nhằm cải thiện tỉ lệ sinh
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số sáng kiến nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ lập gia đình, như chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của đất nước đã bị bãi bỏ, giảm thuế cho người dân, tăng khoản trợ cấp chăm sóc con cái cũng như nghỉ phép dài hơn.
Tuy nhiên, ông Stuart Gietel-Basten - Trường đại học Khalifa, một chuyên gia về dân số và nhân khẩu học châu Á - cho biết các ưu đãi về tài chính từ chính phủ cũng không thể giải quyết được hai vấn đề văn hóa cơ bản khiến phụ nữ không muốn sinh con.
Theo ông Gietel-Basten, phụ nữ đã kết hôn và có con thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, trong khi nam giới vẫn tiếp tục trốn tránh nhiệm vụ giúp đỡ vợ chăm con.
Giáo sư Trường đại học Khalifa cho rằng chính sách của chính phủ và xu hướng nhân khẩu học không đồng bộ với nhau, giữa chúng luôn tồn tại một khoảng cách không thể xóa bỏ và khoảng cách này không thể khắc phục chỉ bằng cách đơn giản là tăng tỉ lệ sinh.
Theo quan điểm của nhà xã hội học Chen Feinian, cách cải thiện tỉ lệ sinh tốt nhất hiện nay chính là tham khảo kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới của các nước Bắc Âu, như ban hành một chính sách về bình đẳng giới tại nơi làm việc, tạo ra môi trường làm việc thân thiện, linh hoạt đối với những gia đình có con, cũng như chấp nhận việc có con ngoài hôn nhân.
Xu hướng nuôi thú cưng thay vì sinh con ngày càng phổ biến trong giới trẻ Thái Lan. Nhiều nhãn hàng tại quốc gia này cũng lựa chọn "gương mặt đại diện" là những chú thú cưng.
Xem thêm: mth.82645455101203202-noc-hnis-os-gnac-yagn-couq-gnurt-nein-hnaht/nv.ertiout