Lập điện tư gia được không?
Theo phản ánh của cử tri, hiện nay hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng còn thiếu, mang tính chung chung, chưa có hướng dẫn chi tiết, quy định xử lý đối với một số hoạt động.
Như là lập điện tư gia, đưa tượng vào khuôn viên đất ở của gia đình, việc tổ chức hầu đồng, việc quản lý các nguồn thu, công đức tại cơ sở tín ngưỡng.
Trên thực tế đã xuất hiện nhiều hình thức tín ngưỡng, tâm linh mang màu sắc mới nhưng chưa có văn bản hướng dẫn quản lý đối với các hoạt động này.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay hiện nay, cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động tín ngưỡng căn cứ vào Luật di sản văn hóa, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống pháp lý gây không ít khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng.
Sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo và nghị định 162/2017 của Chính phủ về thi hành luật có hiệu lực thi hành, bộ đã chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng.
Nội dung hướng dẫn như thống kê, nghiên cứu khảo sát thực trạng tín ngưỡng, hướng dẫn thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tín ngưỡng,…
Cạnh đó, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã tham mưu bộ hướng dẫn địa phương công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng đối với từng trường hợp cụ thể còn vướng trong thực hiện, cũng như những vấn đề phát sinh chưa được quy định tại luật.
Trong đó có việc xây dựng mới cơ sở tín ngưỡng, xác định chủ thể quyền sử dụng đất cơ sở tín ngưỡng,…
Cũng theo Bộ Nội vụ, Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng, là sở hữu chung của cộng đồng.
Do vậy, điện thờ tư gia không được công nhận là cơ sở tín ngưỡng. Hoạt động tín ngưỡng tại các điện thờ tư gia chỉ được phục vụ riêng cho gia đình.
Vì vậy, chính quyền địa phương cần hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng cơ sở tín ngưỡng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng điện thờ tư gia với mục đích hoạt động như cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng và không để người dân tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tại điện thờ tư gia như tại các cơ sở tín ngưỡng.
Hoạt động hầu đồng có sai lệch
Cũng theo Bộ Nội vụ, thời gian qua việc tổ chức các hoạt động hầu đồng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản.
Cụ thể như tổ chức hầu đồng không đúng không gian tâm linh, sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng, có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng,…
Theo Bộ Nội vụ, công tác quản lý nhà nước với hoạt động hầu đồng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thuộc trách nhiệm chính của ngành quản lý nhà nước về văn hóa.
Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) là cơ quan phối hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản hướng dẫn địa phương cũng như chấn chỉnh sự lệch chuẩn trong hoạt động này.
Việc quản lý các nguồn thu, công đức tại cơ sở tín ngưỡng đã được quy định cụ thể tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Về các hiện tượng tôn giáo mới hay các hoạt động phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, thời gian qua Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) sẽ tiếp tục hướng dẫn những vụ việc phát sinh liên quan.
Chương trình Đọc báo cùng bạn có nhiều thông tin cập nhật: Đo nồng độ cồn bằng... máy lạ, 6 cựu cảnh sát giao thông bị bắt; Cô đồng “đúng nhận, sai cãi” bị phạt 7,5 triệu đồng; Việt Nam mong Mỹ - Trung đối thoại trong vụ khinh khí cầu...