Giá sầu riêng hiện được các thương lái mua tại nhà vườn miền Tây vượt 200.000 đồng/kg. Giá cả tăng cao chính là sức hút khó cưỡng, khiến hàng loạt nông dân đã bỏ lúa, các loại cây trồng khác lao theo trồng sầu riêng.
Bất chấp khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các chuyên gia về việc tăng trưởng nóng, diện tích trồng sầu riêng ở nhiều địa phương tăng rất nhanh, có nơi đã vượt quy hoạch đến năm 2025.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cả nước mới có khoảng 3.000ha được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng, chỉ chiếm khoảng 3,4% tổng diện tích sầu riêng cả nước.
Nông sản có đầu ra, tiêu thụ mạnh, giá cao là điều đáng mừng, nhưng lo ngại gây nhiều hệ lụy, bất cập cung - cầu là có cơ sở. Bài học chuyện mía đắng, tiêu điều, quýt quỵ, cam chịu, thanh long chất đống, hành tím, khoai lang, dưa hấu dội chợ, không người mua, chờ "giải cứu" đã từng xảy ra.
Vẫn còn đó nỗi ám ảnh chưa quên của các trận nhà vườn sầu riêng khóc ròng. Đầu năm 2020, sầu riêng liên tục rớt giá, xuất khẩu giảm gần 90%. Trái sầu riêng bị xoay vòng luẩn quẩn, lên hương rồi xuống gió.
Trong khi một bộ phận nông dân, nhà thương mại làm ăn cẩu thả, hám lợi, thỉnh thoảng lại xuất hiện vài chục container sầu riêng xuất khẩu bị trả về do không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt.
Giá tăng, diện tích sầu riêng tăng nhanh nhưng chưa có một đảm bảo chắn chắn nào cảnh trồng - chặt không tái diễn khi nông dân cứ phát triển cây trồng theo tín hiệu bề nổi của giá cả thị trường.
Không chỉ thị phần Trung Quốc đang chuyển đổi với tiêu chuẩn, chất lượng ngày càng cao hơn, trái sầu riêng cũng thường gặp khó khi tiếp cận những thị trường khác cần sự đảm bảo nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Quy hoạch mở, mang tính định hướng, không thể bắt buộc nông dân phải trồng cây gì trên mảnh vườn của họ, cũng như không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay kêu gọi doanh nghiệp, thương lái "mua hộ" nông dân lúc nông sản ứ đọng trong khi thiếu các cơ chế, chính sách, công cụ hỗ trợ cần thiết.
Nhưng cũng không thể thả nổi thị trường, nhà vườn tự do trồng - chặt, doanh nghiệp cũng chạy theo giá cả nhất thời thì bất cập cung - cầu nông sản sẽ mãi là điệp khúc.
Yêu cầu chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và ngành kinh tế tích hợp công thương, nhìn từ trái sầu riêng, phải là cuộc chuyển đổi về chất.
Thay vì tìm cách tăng diện tích và sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, đóng gói, bao bì đủ điều kiện, đảm bảo vận chuyển, phân phối, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Không chỉ tuyên truyền, kêu gọi, khuyến cáo mà cần có các chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực thi. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh, các trung tâm nông sản theo không gian quy hoạch để khuyến khích, hỗ trợ việc phát triển vùng trồng, ngành hàng theo đúng quy hoạch.
Cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nếu không có biện pháp kiểm soát, liên kết và quản lý tốt vùng trồng, vận chuyển, bảo quản đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường thì niềm vui sầu riêng lên ngôi dễ thành sầu chung cho nhà vườn và ngành hàng trái cây Việt.
TTO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân không tự phát chặt phá cây trồng khác, cây xen canh như cà phê, hồ tiêu để mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo.
Xem thêm: mth.97960419011203202-gnuhc-uas-gneir-uas/nv.ertiout