Ngày 11.2, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn gửi Phòng y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức về việc thu hồi chứng chỉ hành nghề dược liên quan đến quy định "thời hạn cập nhật kiến thức chuyên môn (CME) và hành nghề được theo luật Dược.
Theo Sở Y tế TP.HCM, luật Dược năm 2016 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1.1.2017, trong đó phân cấp Sở Y tế thực hiện xử lý hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và giấy chứng nhận đạt "Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc - GPP", "Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc - GDP"… Nhưng qua xem xét hồ sơ, Sở Y tế nhận thấy các chứng chỉ hành nghề dược theo hồ sơ không đảm bảo điều kiện tồn tại liên quan đến quy định về CME và hành nghề dược theo luật Dược.
Trước tình hình này, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo phải triển khai quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền; đồng thời cần sự phối hợp và hỗ trợ của UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện trong công tác phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, các cơ sở cố tình vi phạm các quy định trong lĩnh vực dược phẩm.
Sở Y tế đề nghị lãnh đạo TP.Thủ Đức, quận, huyện tăng cường công tác truyền thông, thông tin cho các dược sĩ đang hành nghề dược trên địa bàn về CME về dược theo quy định. Phổ biến các nội dung cần lưu ý đến người có chứng chỉ hành nghề dược những quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề dược liên quan đến thời gian hành nghề và CME.
Sở Y tế sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề dược của dược sĩ nếu không có CME về dược theo quy định. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và GPP, GDP của cơ sở trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề dược của dược sĩ.
Các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dược
Điều 28 luật Dược 2016 quy định các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề dược như sau:
- Chứng chỉ hành nghề dược được cấp không đúng thẩm quyền.
- Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề dược của mình.
- Chứng chỉ hành nghề dược bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề dược.
- Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược.
- Cá nhân có từ 2 chứng chỉ hành nghề dược trở lên.
- Người có chứng chỉ hành nghề cho thuê, cho mượn, thuê, mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược.
- Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng một trong các điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề dược quy định tại Điều 13 hoặc Khoản 2, Điều 14 luật Dược 2016.
- Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược mà không hành nghề trong thời gian 12 tháng liên tục.
- Người hành nghề dược không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
- Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược gây hậu quả đến tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước chứng chỉ hành nghề dược từ 2 lần trở lên đối với một hành vi vi phạm.
Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 29 luật Dược cũng quy định: Chứng chỉ hành nghề dược hết hiệu lực khi người hành nghề chết hoặc mất tích theo quyết định, bản án của tòa án hoặc không có giấy xác nhận hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề được hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về được gần nhất.