Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có quyết định về việc thành lập ban chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo nội dung quyết định, ông Trần Sỹ Thanh - chủ tịch UBND TP Hà Nội - là trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông là phó trưởng ban chỉ đạo; ông Dương Đức Tuấn - phó chủ tịch UBND TP - là phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo.
Ngoài ra, thành viên ban chỉ đạo còn có lãnh đạo một số ban Đảng Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội; giám đốc, thủ trưởng sở, ban, ngành thuộc TP Hà Nội, cụ thể:
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội.
Bí thư quận ủy, huyện ủy và chủ tịch UBND các quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín cũng nằm trong thành viên ban chỉ đạo.
Quyết định giao rõ các thành viên ban chỉ đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội bảo đảm chất lượng, tiến độ và yêu cầu.
Đồng thời, có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan trung ương và các tỉnh có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Chỉ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - trưởng ban chỉ đạo - có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cơ quan thường trực, từng thành viên ban chỉ đạo, các sở, ngành, đơn vị trong ban chỉ đạo của TP.
Trước đó, vào ngày 20-5-2022, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã quyết nghị chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô.
Cụ thể, nguồn vốn đầu tư dự kiến 85.813 tỉ đồng, trong đó dự kiến 23.524 tỉ đồng là nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội, chia làm 2 giai đoạn: từ 2021-2025 là 19.477 tỉ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỉ đồng.
Hà Nội dự kiến bố trí vốn và giải ngân năm 2022 khoảng 100 tỉ đồng, năm 2023 khoảng 8.397 tỉ đồng, năm 2024 khoảng 5.955 tỉ đồng, năm 2025 khoảng 5.025 tỉ đồng.
Đường vành đai 4 sẽ có trạm thu phí BOT
Dự án đường vành đai 4 có chiều dài 112,8km, trong đó qua TP Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19km, Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.
Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h, dự kiến hoàn thành năm 2027.
Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT), trong đó tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.
UBND TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là chủ đầu tư thực hiện hợp phần dự án số 1 (bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư), số 2 (xây dựng đường đô thị, đường song hành theo hình thức đầu tư công) trên địa phận của từng địa phương.
Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của hợp phần dự án số 3 - xây dựng đường cao tốc theo hình thức PPP, được phê duyệt, TP Hà Nội sẽ lập hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư.
TTO - "Hồ sơ cho từng ngôi mộ trong lúc di chuyển là phải chuẩn, tiền chi bao nhiêu là phải chuẩn, ông nào ăn bớt, ăn gian là xử ông ấy thôi, có gì đâu mà phải sợ" - Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.