Miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa lâu nay vẫn thường bị gắn liền với "đói nghèo", "lạc hậu", "thiếu vốn"… dẫn tới kém phát triển. Nhưng PGS.TS Trần Văn Ơn không có cái nhìn ấy. Sau nhiều năm ngược xuôi trên những vùng núi này, ông nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: "Đừng nhìn vốn chỉ có nghĩa là tiền, là vốn tài chính. Những nơi này không thiếu cả vốn tri thức bản địa - nhân lực - đất đai - cảnh quan - đa dạng sinh học, vấn đề là ai kết nối và tìm con đường đi phù hợp?".
Gần 20 năm qua, ông chỉ có một mục đích: tìm tòi những tiềm năng của những vùng đá núi. Ông gây dựng 20 hợp tác xã, doanh nghiệp của các dân tộc thiểu số để phát triển nông sản và thảo dược ở những xã khó khăn nhất của miền núi phía Bắc. Đấy cũng là những trường hợp điển hình nguyên mẫu để ông đề ra Chương trình OCOP (One Commune One Product - mỗi xã một sản phẩm). OCOP khởi động ở Quảng Ninh và thành công. Từ đây hình thành nên chương trình OCOP quốc gia để thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị.
- Điều bạn vừa nhắc cũng chính là cái khó khăn nhất khi phát triển miền núi: sự tự ti. Đã quá lâu, tất cả chúng ta, từ miền xuôi tới miền núi, từ cơ quan quản lý tới giới truyền thông, công chúng thường nghĩ người miền núi, người dân tộc thiểu số là kém, không thể tự làm được, không có vốn liếng gì cả… Thực tế thì khác, họ vẫn đang làm đó thôi nhưng không mấy ai giúp.
Điều khiến người dân miền núi mất tự tin là các chương trình, các diễn ngôn phát triển lúc nào cũng đòi hỏi những điều ở tầm vĩ mô quá: phải sản xuất hàng hóa tập trung, phải làm lớn, phải áp dụng công nghệ hiện đại, gần đây là phải theo kịp cách mạng công nghiệp 4.0… Càng nghe những to tát ấy, họ càng tự ti nói là không làm được. Nhưng khi mình nói khác đi "các anh chị cứ làm dần, làm từ bé đến lớn" là họ sẽ tự tin làm.
Chẳng qua vì chúng ta quen nhìn từ bên ngoài vào, không thấy nguồn lực sẵn có trong cộng đồng. Trên thực tế, cộng đồng nào cũng giàu tri thức bản địa, sẵn có các nguồn vốn khác nhau, có các sản vật riêng như các giống cây trồng, vật nuôi riêng mà chỉ ở vùng đất đó mới có, hoặc "công nghệ" bí truyền từ nhiều đời nay. Đó là cái cộng đồng có mà các đại gia, các doanh nghiệp xuyên quốc gia không có.
Người ta cũng luôn nghĩ hẹp là phải có tiền mới làm được, nhưng thực ra không phải. Mọi hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng do tôi thúc đẩy thành lập hoặc thực hiện tái cấu trúc đều vận dụng nguyên tắc đa dạng hóa nguồn vốn. Những vốn khác có thể chuyển thành tiền, hộ dân có đất chưa biết để làm gì có thể góp vào hợp tác xã; sức lao động cũng là vốn, dân đi cuốc đất, dựng nhà, trồng trọt cho hợp tác xã… đều tính thành ngày công và quy đổi sang góp vốn cho hợp tác xã; vốn hiện vật, cây tre, cây mỡ làm xưởng làm nhà đều quy ra tiền đóng góp vào.
Đây chính là cách chúng tôi gây dựng các hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng từ 0 đồng như Sapanapro (Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai), Nậm Đăm (Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang), DK Natura (Yên Ninh, Phú Lương, Thái Nguyên)… Đừng tưởng những điều vừa nhắc tới là nhỏ nhoi không ra tấm ra món, những đúc rút này có tính quyết định để xây dựng được doanh nghiệp cộng đồng theo hướng tự lực, tự cường. Từ các bài học này mới hình thành nên mô hình cho phát triển những vùng khó khăn.
Nguồn lực người ta có đầy, vấn đề là con đường kết hợp lại như thế nào.
- Mặc dù nói rằng có mẫu số chung là các nguồn vốn, mà theo các lý thuyết về khung sinh kế thì năm nguồn vốn trên có thể bù đắp cho nhau nhưng trong thực tế thì muôn hình vạn trạng. Những năm 2000, tôi nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở Sa Pa, Lào Cai và đánh giá dược chất, phát hiện bài thuốc tắm là một tài sản vô cùng quý giá nhưng không người Dao đỏ nào được hưởng lợi từ nó.
Ngay thị trấn Sa Pa, những phòng tắm thuốc đều của người… Kinh từ Hà Nội, Hà Tây (cũ) lên mở, còn người Dao đỏ giàu tri thức mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Tôi nghĩ tốt nhất là chuyển giao lại kết quả nghiên cứu này để người dân là chủ nhân, phát triển dựa trên tri thức của mình.
Nói một câu quá dễ, ý tưởng nghe đơn giản nhưng làm cực kỳ khó. Câu hỏi lớn nhất là trả cho ai? Chẳng lẽ trả cho ủy ban xã? Trả cho một cá nhân nào đó cũng không được vì đây là tri thức của cộng đồng. Cũng có những doanh nhân đến, đề nghị trả toàn bộ quy trình sản xuất và bí quyết của bài thuốc này 2 tỉ (lúc đó chỉ có 5 triệu một cây vàng) nhưng đây là tri thức chung của cộng đồng, không thể bán như vậy được.
Tất cả chương trình phát triển kinh tế, các lý thuyết về phát triển cộng đồng của DFID (Cơ quan Phát triển quốc tế Anh), IFAD (Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp), các tài liệu về tài sản trí tuệ... đều không phù hợp với mình.
Tôi bàn bạc với hai "nữ tướng" rất giỏi nghề thuốc là Chản Xử Mẩy và Lý Mẩy Chạn, cùng con trai bà Mẩy là Lý Láo Lở - người đã đi bộ đội trở về - thành lập Sapanapro để chuyển giao kết quả nghiên cứu trả lại cho cộng đồng. Từ chỗ mọi người chưa từng cầm chứng từ, con dấu, chạy dây chuyền sản xuất, đến nay sản phẩm của họ đã bán cho hơn 100 đại lý, có mặt tại các bệnh viện, siêu thị lớn để tắm cho mẹ và bé là trải qua biết bao nhiêu khó khăn.
Nhờ có sẵn kết quả nghiên cứu cơ bản về bài thuốc tắm, tôi chọn lấy phần cốt lõi của bài thuốc, sau đó chuyển từ khó dùng sang dễ dùng bằng cách chiết xuất, loại tạp, đóng chai rồi đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy thế, ba năm đầu chưa bán được mấy, lỗ chổng vó, không đủ tiền để nuôi nhau. Cứ thi thoảng Lở lại gọi Thầy ơi hết tiền, tôi lấy tiền túi ra cho công ty vay 20, 50 triệu…
Phải hiểu rằng đừng có nghĩ là lập ra là xong, mà phải theo đuổi, tận lực tận tâm, thậm chí phải đóng vai trò của ngân hàng. Bây giờ các chương trình hỗ trợ của mình nói rất hay về cho vay vốn, ngân hàng chính sách cũng hứa hay lắm, nhưng vay không dễ đâu.
Lở và 12 hộ cổ đông tham gia ban đầu chỉ có tri thức nghề thuốc, không biết gì về vận hành doanh nghiệp nên cần đi học, cần có đội ngũ cố vấn. Người dân chưa ra khỏi xã, khỏi tỉnh bao giờ thì làm sao mà biết được cách thức khai thuế hay gì khác, những bài học đó đều không có trong sách. Thế là tôi từ vai nhà nghiên cứu thực vật lại đóng vai người làm phát triển cộng đồng, nhà tái cấu trúc doanh nghiệp và tìm thêm người cố vấn cùng.
Tôi nhớ mãi ngày Lở đi học lớp quản lý cho CEO, cả lớp tự giới thiệu hết về mình rồi, cuối cùng Lở đứng lên giới thiệu "tôi là Lý Láo Lở", mọi người quay xuống nhìn như nhìn người từ hành tinh khác… bỡ ngỡ và lạc lõng như vậy đấy. Sau đó dần dần hòa vốn, tiến lên có lãi, vững bước thành "điển hình tiên tiến" như bây giờ.
- Không thể hết được, song song với Sapanapro, tôi cũng thành lập và tái cấu trúc 20 hợp tác xã và doanh nghiệp từ tài nguyên bản địa ở các tỉnh từ Đông Bắc sang Tây Bắc, cứ quay vòng hỗ trợ như thế quanh năm. Vì thế tôi nghĩ tới việc làm sao thúc đẩy được các nhà quản lý nhận thức về một mô hình mới, có quy trình hỗ trợ chuyên môn để người dân sống được bằng đôi chân của mình.
Các hợp tác xã ban đầu ấy là nguyên mẫu để tôi đề xuất, thiết kế chương trình OCOP Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, về sau được thiết kế thành chương trình cấp quốc gia như bây giờ.
Hãy đặt các doanh nghiệp cộng đồng như Sapanapro vào bối cảnh nông thôn, miền núi. Vài chục năm nay, khắp các thôn bản đang dần mất mát đi nguồn vốn của mình, khi hầu hết người trẻ đều rời bỏ nông thôn, đi đến khu công nghiệp, đến thành phố, vùng nông thôn của ta đang thiếu trầm trọng những người có chí hướng, có khả năng làm giàu nhờ tri thức bản địa.
Những mô hình như Sapanapro cho thấy điều ngược lại: có thể thu hút tới 120 cổ đông trong xã tham gia, phát triển bền vững, giữ đất, giữ thuốc, giữ người, giữ rừng. Thậm chí đã có thành viên tham gia công ty nhưng sau này tách ra làm một hợp tác xã cộng đồng riêng, vẫn đủ sức phát triển với nhiều chục hộ gia đình tham gia.
Nếu mỗi huyện có vài doanh nghiệp như thế, mỗi tỉnh đẩy được 5 - 10 doanh nghiệp từ tài nguyên bản địa lên quy mô lớn, đạt mức doanh thu 50 - 100 tỉ, thì đấy là mơ ước của cả đất nước này.
Vì bao nhiêu năm qua Nhà nước đã có nhiều chương trình phát triển nông thôn được triển khai nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân do chúng ta chủ yếu tập trung vào hỗ trợ sản xuất ở quy mô các hộ gia đình, coi đây là trọng tâm để triển khai các dự án "ngoại sinh" như cho giống mới, kỹ thuật mới. Tại sao ta cứ phải sản xuất những thứ lạ lẫm mà không dựa trên lợi thế so sánh của chính mình?
Chúng ta cũng mới chỉ tính tới bài toán sản xuất mà thiếu quản lý, vận hành, tái cấu trúc, xây dựng chuỗi… Việc sản xuất theo kiểu định hướng như vậy đặt các hộ sản xuất gia đình nhỏ lẻ vào thế quá khó, đó là buộc họ phải thực hiện chức năng đầy đủ của một doanh nghiệp, từ quản lý vốn, tổ chức sản xuất đến nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, tiếp thị…
Chưa kể, sau khi thực làm tại các hợp tác xã và phân tích các chương trình phát triển cho nông thôn miền núi trước đây, tôi cùng đội ngũ tư vấn còn thấy hàng loạt vấn đề trong triển khai. Các chương trình đều theo định hướng sẵn "từ trên xuống": Người dân không được tham gia ngay từ đầu và dẫn đến tham gia một cách thụ động.
Ta cũng thiếu đội ngũ các chuyên gia tham gia hỗ trợ cộng đồng có chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực chiến và nhà quản lý. Chủ yếu mới là vấn đề của ngành nông nghiệp, chưa có sự tham gia của chính quyền và các ngành có liên quan. Vì vẫn tư duy "sản xuất lớn", "phải ra tấm ra món" nên quy luật phát triển từ nhỏ đến lớn bị bỏ qua.
Do vậy, một chương trình phát triển sản phẩm dựa vào đặc trưng của địa phương, để người dân tự chủ động, tự lực, có quy chuẩn và gắn theo chuỗi giá trị là rất cần thiết.
- Nguyên tắc của chương trình là phải thúc đẩy được tự lực tự tin, sáng tạo và thực hiện "từ dưới lên". Người dân quyết định tham gia chương trình bằng việc đề xuất ý tưởng về sản phẩm. Dựa trên ý tưởng này, hệ thống OCOP của tỉnh mới chính thức "vào cuộc" ở các công đoạn tiếp theo.
Và phải có sự tham gia của cộng đồng: Các nguồn lực cộng đồng được huy động đầy đủ, từ tri thức, công nghệ truyền thống, nguyên liệu địa phương đến vốn góp, quản trị, quyết định các chiến lược phát triển, phân chia lợi ích có được từ sự phát triển.
Điều quan trọng nhất là khi người dân là chủ nhân của quá trình phát triển, bằng cách góp vốn vào các hợp tác xã, công ty cổ phần… tại cộng đồng, họ được quyết định các hướng phát triển, chia sẻ lợi ích. Khi các sản phẩm địa phương được phát triển và thương mại hóa thành công, người dân được hưởng các thành quả như tạo ra thu nhập, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.
Các sản phẩm OCOP từ nhiều vùng miền Việt Nam được thiết kế mẫu mã và phân phối bởi Công ty cổ phần và phát triển sản phẩm Châu Giang. Ảnh: DƯƠNG QUỐC ĐỊNH
Nhà nước chỉ đóng vai trò là người "tạo sân chơi" (triển khai chu trình) và hỗ trợ cộng đồng những phần còn thiếu và điều phối các nguồn lực, như tăng phần vốn cho sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nắn dòng ngân sách, hỗ trợ về khoa học công nghệ.
Cũng cần có các nghiên cứu nền tảng, phải có tư vấn độc lập có chuyên môn về phát triển thực hiện phần nghiên cứu cơ bản về các sản phẩm của tỉnh, từ nguồn gốc công nghệ, nguyên liệu, đến mô hình tổ chức, cách thức tổ chức sản xuất -
kinh doanh, xúc tiến thương mại. Nhà tư vấn phát triển cộng đồng còn phải bám sát cộng đồng trong suốt quá trình, từ hình thành đến lo vốn, quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, nghiên cứu phát triển, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, xúc tiến thương mại và kết nối với các nhà khác.
- Không phải cứ giàu là làm được, vấn đề là giữ được các nguyên tắc thiết kế, chu trình trên của chương trình phát triển cộng đồng. Trên thực tế thì nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng thành công ở Quảng Ninh cũng có xuất phát điểm rất thấp, phân bố ở khu vực phía tây của tỉnh, là vùng rất nghèo, có tập quán làm nông nghiệp nhỏ lẻ. Bạn cứ hình dung nếu tỉnh nào cũng cởi mở, làm được như Quảng Ninh hay Bắc Kạn thì cả nước sẽ hiệu quả tới đâu.
Sau ba năm đầu thực hiện, chương trình OCOP, tổng giá trị hàng hóa bán ra trong chương trình này tại Quảng Ninh là trên 670 tỉ đồng (gấp 3 lần kế hoạch), thu hút tổng số hơn 2.100 lao động, số hộ, nhóm hộ đăng ký tham gia ngày càng nhiều.
Bắc Kạn làm sau chưa đánh giá tổng kết hết nhưng có những điều khiến tôi rất ngỡ ngàng. Thông thường trong 100 doanh nghiệp mới thành lập, sau 3 - 5 năm có 20 doanh nghiệp phá sản, phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi, nhưng vừa rồi Bắc Kạn đánh giá sơ bộ thì tỉ lệ "chết" có 5%.
Sau giai đoạn hỗ trợ ban đầu thì sẽ tới giai đoạn chuyên sâu: khảo sát tìm ra những doanh nghiệp thực sự có thực lực, lãnh đạo cấp tiến, có năng lực, sản phẩm có khả năng mở rộng mà không ảnh hưởng tới chất lượng, tập trung hỗ trợ chuyên môn sâu để họ mở rộng quy mô.
Nhưng nếu không giữ các nguyên tắc thiết kế này, để OCOP lên quy mô quốc gia nhưng rồi các tỉnh buông lơi, làm lấy lệ hoặc làm theo kiểu cũ thì OCOP sẽ trở thành một phong trào chứ không còn ý nghĩa thiết thực. Nhìn ở điểm này, tôi thấy nhiều tỉnh nghèo ở miền núi làm cẩn thận, chu đáo hơn các tỉnh, thành phố giàu có khác. Đã có tỉnh tổ chức đếm hồ sơ rồi thi một cách chiếu lệ thì lại quay về bánh xe cũ.
Ở tầm quốc gia cần quyết tâm rất lớn, cần đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm đủ khả năng tư vấn dẫn dắt. Chỉ như thế mới tìm ra con đường cho miền núi, nông thôn.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Bài: NGHĨA DŨNG
Ảnh: DƯƠNG QUỐC ĐỊNH
Thiết kế: VÕ TÂN
Xem thêm: mth.80060054140203202-oehgn-gnohk-iun-neim-tom-yaht-nihn-iougn/nv.ertiout