Ngày 10-2 vừa qua tại Singapore, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành Việt Nam và Singapore, đại diện Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tập đoàn Sembcorp đã trao thỏa thuận hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore.
Sembcorp, doanh nghiệp đứng sau hàng loạt khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thành công suốt hơn 25 năm qua, lại một lần nữa đặt niềm tin vào doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, có thông tin trước đó Singapore đã nhìn nhiều quốc gia xung quanh, cả những nước có thế mạnh kỹ thuật và tiềm năng điện gió lớn.
Cái bắt tay giữa PTSC và Sembcorp diễn ra chỉ một ngày sau khi Chính phủ Việt Nam và Singapore nhất trí thiết lập quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh trong bối cảnh cả hai nước đều hướng tới tương lai phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam có thể cung cấp tới 4.000MW cho Singapore thông qua hệ thống truyền tải điện trên Biển Đông. Đây là một con số còn khiêm tốn so với tiềm năng điện gió mà Việt Nam có được. Theo Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, với bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng điện gió lên tới 475GW.
Dự kiến PTSC và Sembcorp sẽ tiến tới thành lập một liên doanh cho dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore. Cần phải lưu ý rằng đây là điện gió ngoài khơi, tức cách xa bờ biển Việt Nam, khác hoàn toàn với điện gió trên đất liền và điện gió gần bờ.
Như vậy, điện tạo ra sẽ được chuyển trực tiếp sang nước bạn, không qua hệ thống lưới điện của Việt Nam trên đất liền hay hệ thống lưu trữ. Điều này có thể phần nào giảm bớt chi phí đầu tư hoặc những phức tạp về kỹ thuật, pháp lý cho doanh nghiệp bạn.
Dự thảo quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu phát triển khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam cần gắn việc phát triển điện gió ngoài khơi với quy hoạch không gian biển quốc gia.
Điều này không chỉ nhằm xác định vùng biển tiềm năng lớn nhất, tránh xảy ra mâu thuẫn với các ngành khác mà còn giúp giảm tác động sinh thái biển và đảm bảo an ninh quốc phòng. Rất tiếc là quy hoạch không gian biển của Việt Nam đến giờ vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Thời gian phát triển một dự án điện gió ngoài khơi sớm nhất là năm năm nhưng có thể kéo dài đến hơn 10 năm vì trải qua nhiều bước.
Để đẩy nhanh tốc độ đó, đòi hỏi phải có những chính sách dành riêng cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, nếu cần là cho dự án giữa PTSC và Sembcorp, bởi đây là một trong những dự án xuất khẩu trực tiếp năng lượng tái tạo thuộc hàng đầu tiên của đất nước.
Việt Nam cần phải làm sao để nước bạn thấy chúng ta không chỉ có tiềm năng điện gió, mà còn có cả quyết tâm lớn từ các cấp. 1+1 không phải bằng 2 mà cần mối quan hệ 1+1 này thành 11, tức tạo ra giá trị lớn hơn, không chỉ cho hai nước mà còn cho cả khu vực như lời PGS.TS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) nói.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng với tầm nhìn và hướng đi như hiện nay, đó là điều có thể đạt được.
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II với quy mô 500ha là dự án mới nhất hợp tác giữa Singapore và Việt Nam được công bố. Ngoài ra, còn có 5 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore với quy mô khoảng 1 tỉ USD được triển khai trong vòng 3 năm tới.
Xem thêm: mth.23824058031203202-11-1-1-ed/nv.ertiout