Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Thanh Khê nói rằng khi nhận được văn bản chỉ đạo của cấp trên, giáo viên và ban đại diện cha mẹ học sinh đã rất phấn khích.
Là những người trực tiếp đứng lớp, hơn ai hết các giáo viên hiểu rõ sự bức bối, nóng nực và mỏi mệt của học sinh khi mùa hè tới. Hè cũng là khoảng thời gian học sinh thường bị các bệnh liên quan đến thời tiết nhiều nhất trong năm.
Vị hiệu trưởng này nói rằng khi nhận được chỉ đạo cho phương án tài chính về đề án lắp điều hòa thì nhà trường đã rất phấn khích và chọn ngay phương án huy động phụ huynh (bên cạnh phương án đề xuất ngân sách chi trả).
Các thầy cô tin rằng với thực tế ngột ngạt, nóng nực trong những căn phòng mà con em phải chật chội ngồi giữa oi ả nắng hè, tỉ lệ đồng thuận sẽ là tuyệt đối.
Để cụ thể hơn với bài toán tiền nong, chỉ với khoảng 400.000 đồng/năm học, tức mỗi ngày phụ huynh sẽ góp chưa tới 1.500 đồng thì con em họ sẽ được học trong phòng có hai máy lạnh chạy quanh năm. Một cái giá nghe qua thì quá dễ chấp nhận.
Nhưng kết quả khảo sát đã gây chưng hửng: có tới 20% cha mẹ học sinh không đồng tình. Không còn cách nào khác, trường này phải chọn giải pháp mà chắc chắn rằng sẽ rất khó thành hiện thực, đó là đề xuất dùng ngân sách chi trả tiền điện, tiền lắp điều hòa.
Câu chuyện của trường trên cũng là thực trạng chung mà đề án lắp điều hòa cho trường học đang vấp phải "tảng đá lớn". Theo khái toán, với 5.000 điều hòa thì tổng tiền thiết bị đã gần 100 tỉ đồng.
Cứ một lớp, số tiền điện và chi phí lắp đặt một năm dùng máy sẽ bình quân tầm 14 triệu đồng. Đà Nẵng có hàng ngàn lớp học như vậy, một khi phụ huynh không đồng thuận chia sẻ thì số tiền dồn về ngân sách nhà nước sẽ là khổng lồ.
Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho việc thuyết phục, giải trình tính hiệu quả và cần thiết từ ngành giáo dục. Chưa kể hiện còn rất nhiều công việc, hạng mục cơ sở vật chất trường lớp, đề án nâng cao chất lượng giáo dục cần phải ưu tiên chi.
Có lẽ hiểu được gánh nặng ngân sách nên khi ý tưởng trang bị điều hòa được đưa ra thì có lý do để các sở ngành tại Đà Nẵng đề nghị tính thêm giải pháp huy động xã hội hóa.
Nếu thành công, Đà Nẵng cũng có thể là một mô hình huy động xã hội hóa trong một dự án giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Nhưng thực tế phản hồi của phụ huynh đã cho thấy khó khả thi.
Kết quả cuối cùng của đề án lắp điều hòa các phòng học ở Đà Nẵng vẫn là dấu chấm hỏi. Quả bóng chi phí đang dồn qua ngân sách.
Nhưng qua việc này cũng cho thấy rằng khi triển khai một dự án không mang tính cấp bách mà chỉ hướng tới "phúc lợi" nhiều hơn là cấp thiết, nếu phụ huynh không san sẻ gánh nặng thì sẽ rất khó để thành hiện thực dù dự án đó có tốt đến bao nhiêu.
Bài học rút ra trong câu chuyện này cho Đà Nẵng là thay vì trình dự án trước, ngành giáo dục nên dành thời gian giải trình, làm rõ sự cần thiết và minh bạch để phụ huynh hiểu và đồng thuận. Khi đã có đồng thuận rồi thì làm việc gì cũng dễ.
Đây cũng là nguyên tắc của bất kỳ chương trình xã hội hóa nào.
Tiếc một cơ hội
"Với 1.500 đồng/ngày, tổng cộng cả năm học đóng hơn 400.000 đồng, con được ngồi trong phòng mát mẻ, học hành tốt hơn, chăm chú hơn, ít đau yếu hơn vì thời tiết. 400.000 đồng thậm chí chưa bằng một bữa nhậu bình dân.
Chúng tôi đã hy vọng mọi thứ sẽ được phụ huynh nhìn nhận và đồng thuận. Nhưng kết quả thì ngược lại. Nếu vì không huy động được mà ngân sách cũng không thể chi trả thì rất tiếc một cơ hội tốt cho học sinh được ngồi học phòng điều hòa" - một hiệu trưởng buồn bã nói.
Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đề nghị các trường lấy ý kiến phụ huynh về việc hỗ trợ chi phí lắp máy lạnh lớp học, nhiều phụ huynh đã nói không.