vĐồng tin tức tài chính 365

Tình người và trách nhiệm pháp lý khi gặp tai nạn trên đường

2023-02-13 11:29

Hôm 7/2, một tài xế xe đầu kéo bị Công an huyện Châu Thành, Tiền Giang, tạm giữ hình sự về hành vi Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, theo khoản 3 Điều 132 Bộ luật Hình sự. Nhà chức trách cáo buộc, tài xế này đã bỏ ngoài tai người kêu cứu trong xe khách 16 chỗ gặp nạn trên cao tốc TP HCM - Trung Lương đêm 1/2. Vài tiếng sau khi được phát hiện, 3 người trong vụ tai nạn đã tử vong.

Tương tự, trong tháng 2, một nữ tài xế ở Nghệ An cũng bị khởi tố về hành vi tương tự, khi bỏ mặc người ngã do húc vào đuôi ôtô của mình. Nạn nhân tử vong do bị một xe tải đi phía sau không tránh kịp, cán qua người. Giải thích với lực lượng chức năng, nữ tài xế giải thích "sợ liên luỵ trách nhiệm với nạn nhân".

Chia sẻ với VnExpress, độc giả Tuấn Anh cho biết đã gặp nhiều vụ tai nạn và luôn sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân. Anh giúp họ dắt xe đưa vào lề đường để giao thông không gián đoạn nếu chỉ va chạm nhẹ, nặng thì nhờ thêm người đi đường khiêng họ vào vỉa hè chờ xe cứu thương.

Có lần anh gặp vụ tai nạn xảy ra lúc 22h, đường tối, có nhiều xe tải, container chạy qua. Nhiều người dân đứng bên đường tò mò nhưng không ai dám làm gì. Khi chạy tới, anh lập tức hô hào họ cùng khiêng người gặp nạn vào vỉa hè.

"Với tôi thà không biết, không gặp, không nhìn thấy thì thôi. Một khi gặp, tôi không bao giờ đứng nhìn và sẵn sàng phụ giúp một tay cho dù có thể gặp phiền toái", anh Tuấn chia sẻ.

Tình nguyện viên đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel sơ cứu cho một cô gái bị tai nạn giao thông, trên cầu Nhật Tân, Hà Nội, tháng 8/2022. Ảnh: FAS Angel

Tình nguyện viên đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel sơ cứu cho một cô gái bị tai nạn giao thông, trên cầu Nhật Tân, Hà Nội, tháng 8/2022. Ảnh: FAS Angel

Theo luật sư Hà Ngọc Tuyền (Trưởng văn phòng luật sư Hà Tuyền, Đoàn luật sư TP HCM), cứu giúp người khác trong lúc gặp nguy hiểm là chuẩn mực đạo đức xã hội. Ai thấy người khác trong hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp là vô cảm và sẽ bị xã hội lên án. Chuẩn mực đạo đức này đã được luật hóa trong quy định pháp luật, tức việc giúp đỡ người khác khi gặp nguy hiểm đến tính mạng là nghĩa vụ của công dân phải thực hiện.

Với tai nạn giao thông gặp trên đường, khi thấy tín hiệu cần giúp đỡ, người có mặt phải kiểm tra tình trạng người bị nạn, đưa họ đi cấp cứu hoặc yêu cầu người có điều kiện hỗ trợ.

Trách nhiệm của công dân, cơ quan tổ chức xảy ra tai nạn giao thông còn được quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn còn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền...

"Không thể đổ lỗi cho lý do sợ hiểu lầm là người gây tai nạn hay liên lụy đến bản thân mà từ chối việc cứu giúp. Việc này có thể khiến chính bản thân sẽ trở thành tội phạm, vướng vào vòng lao lý dù tai nạn không phải do mình gây ra", luật sư Tuyền nói.

Theo khoản 7 điều 11 Nghị định 100/2019 ngày 30/12/2019 , người có đủ điều kiện nhưng không cứu giúp người khác khi gặp nạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đến 1.000,000 đồng; với tổ chức bị phạt gấp đôi.

Nếu người vi phạm gây hậu quả nặng sẽ bị xử lý hình sự về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù (nếu hai người chết trở lên).

Cũng theo luật sư Tuyền, tội danh này không chỉ áp dụng trong trường hợp tai nạn giao thông mà trong cả các trường hợp khác, thấy người đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng, mặc dù có điều kiện nhưng không cứu giúp cũng là phạm tội. Ví dụ, trong trường hợp thấy người sắp chết đuối, dù trên thuyền có phao, có dây nhưng không ném xuống để cứu; bác sĩ không giúp đỡ người đang bị thương tích, nguy hiểm tính mạng... dẫn đến người này chết.

"Những ai không tự nguyện hoặc giúp người gặp nạn theo yêu cầu mà dẫn đến hậu quả chết người xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Có như vậy Nhà nước mới điều chỉnh được các hành vi tạo chuẩn mực đạo đức trong xã hội", luật sư nêu quan điểm.

Hải Duyên

Xem thêm: lmth.0818654-gnoud-nert-nan-iat-pag-ihk-yl-pahp-meihn-hcart-av-iougn-hnit/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tình người và trách nhiệm pháp lý khi gặp tai nạn trên đường”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools