TP.HCM nay tiếp tục xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa để giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư gần 4.900 tỉ đồng, hy vọng sẽ giúp lập lại trật tự giao thông nhưng không khỏi lo phát sinh những điểm kẹt xe mới.
Đầu tư không đồng bộ, dễ phát sinh kẹt xe
Sau khi mở rộng đường Bạch Đằng (Q.Tân Bình), luồng giao thông từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng dồn về sân bay phải làm cầu vượt trên đường Trường Sơn. Đường Trường Chinh (Q.12, Tân Bình) được mở rộng đoạn từ Xuyên Á đến gần Âu Cơ, tạo ra nút thắt cổ chai trên đoạn còn lại nối dài với đường Cách Mạng Tháng 8 vì chỉ rộng từ 6-8m, xe dồn về quá tải đường Cộng Hòa phải làm cầu vượt Hoàng Hoa Thám và cầu vượt Hoàng Văn Thụ.
Mỗi công trình được triển khai đều là tin vui với người dân vốn mong thoát cảnh kẹt xe. Tuy nhiên có không ít công trình làm xong chưa giải quyết điểm kẹt xe cũ thì lại phát sinh điểm kẹt xe mới khi đông xe dồn về các đường kết nối, giao cắt (vẫn đang nhỏ hẹp) gây kẹt xe nhiều hơn.
Đường Lê Văn Quới (Q.Bình Tân) mở rộng từ 6m lên 30m càng gây kẹt xe tại vị trí giao cắt các đường lân cận gồm Phan Anh, Bình Long, Hòa Bình. Sau đó, cơ quan chức năng lập dự án xây mới đoạn Lê Văn Quới (nối dài) từ đường Mã Lò đến quốc lộ 1, giờ lại tiếp tục nghiên cứu làm cầu vượt tại nút giao bốn xã.
Hay đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) mở rộng một đoạn, hình thành nút thắt cổ chai trên đoạn còn lại và giờ tiếp tục mở rộng từ ngã năm Bình Hòa đến Phan Chu Trinh, chiều dài chỉ 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỉ đồng.
Tại Thủ Đức có đường Lê Văn Việt được mở rộng lên 30m đoạn từ Hoàng Hữu Nam đến gần Lã Xuân Oai gây kẹt xe kinh khủng đoạn hiện hữu còn lại chỉ rộng từ 6-8m hướng về xa lộ Hà Nội (Võ Nguyên Giáp); đường Đỗ Xuân Hợp sau khi mở rộng một đoạn khiến kẹt xe tại cầu Nam Lý.
TP.HCM cũng đã cơi nới bề rộng nhiều cầu cũ vẫn không cải thiện tình hình giao thông nên phải xây thêm cầu mới như cầu Bình Triệu (TP Thủ Đức, Q.Bình Thạnh), cầu Tân Thuận (Q.4, Q.7), cầu Chữ Y và cầu Nguyễn Tri Phương (Q.5, Q.8), cầu Ông Buông (Q.6)...
Mỗi khi thi công lại gây trở ngại giao thông bởi rào chắn công trình chiếm dụng mặt bằng, vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn giao thông.
Lường trước những phát sinh
Sẽ phản tác dụng nếu chỉ thấy thuận lợi trước mắt hay có tư tưởng muốn "dễ làm, khó bỏ", kẹt xe chỗ nào chỉ tính giải quyết chỗ đó. Những cách làm chưa hiệu quả, phát sinh các trở ngại nếu không được đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc để khắc phục dần các tồn tại thì rất có thể lặp lại cái sai cũ.
Trước khi đầu tư mở rộng cầu đường cần kèm theo kế hoạch và tính toán làm đồng bộ tại các đường kết nối, vị trí giao cắt trực tiếp để hoàn thành cùng lúc. Nếu không, phương tiện tăng cao sẽ gây kẹt xe, không chỉ thiếu hiệu quả mà còn phản tác dụng.
Cần có điều tra khảo sát, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định, lường trước những phát sinh, dự báo giao thông, đánh giá mức độ khả thi trước mắt và lâu dài, giải quyết bài toán so sánh giữa lợi ích và chi phí hẳn sẽ hiệu quả hơn.
Trở lại tình trạng kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, việc đẩy các nút giao áp sát sân bay, ban đầu có thể nghĩ rằng giúp kết nối giao thông nhưng lại khiến khu vực này luôn trong tình trạng đông đúc xe cộ.
Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa cũng nên tính đến phương án phân luồng từ xa, hạn chế phát sinh kẹt xe tại các vị trí thắt cổ chai tại các đường ngang, nút giao Hoàng Văn Thụ, Tân Kỳ Tân Quý. Tổ chức lại giao thông, ưu tiên cho xe ra vào sân bay có dành làn riêng trên đường Trường Sơn. Giảm tải bằng cách phân luồng giao thông giữa các trục đường ngang gần sân bay để xe cộ không phải đi qua đường Trường Sơn.
TP.HCM có rất nhiều công trình giao thông đang và sẽ triển khai, nếu không chú trọng tháo gỡ các nút thắt cổ chai sao cho đồng bộ thì sẽ cứ phải chạy đua để giải quyết kẹt xe, khoảng cách ngày một xa hơn giữa đầu tư hạ tầng với thực tế nhu cầu giao thông.
Một phần công viên Hoàng Văn Thụ đang được tháo dỡ để làm đường tạm cho dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM), giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.