Đầu năm chưa có đột phá
Đầu tháng 2/2023 nhưng vẫn còn trong tháng Giêng nên các doanh nghiệp lĩnh vực thực phẩm như thịt, trứng…thừa nhận rằng, sức mua rất yếu vì phần lớn người tiêu dùng đã chuẩn bị hàng cho Tết vẫn chưa sử dụng hết.
Mặt khác, tháng Giêng là thời điểm nhiều người ăn chay nên các sản phẩm thịt, cá, trứng… bán rất chậm, thông thường doanh số chỉ bằng 50 - 60% mức doanh thu bình quân. Thậm chí, năm nay nguy cơ giảm thêm khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ các năm trước.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) thông tin, ngay sau Tết Nguyên đán, có khoảng 90% doanh nghiệp Tp.HCM mở cửa khai trương và hoạt động trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế chung hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất hàng hóa thiết yếu, thương mại hoạt động gần như bình thường.
Trong khi đó, còn nhiều ngành nghề vẫn gặp khó khăn về đơn hàng và đầu ra sản phẩm như dệt may, da giày, gỗ… do bị ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế ở nhiều thị trường trọng điểm làm giảm đơn hàng.
Thế nên, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng trong giai đoạn từ cuối năm ngoái kéo dài qua đến đầu năm nay. Tương tự, nhóm ngành xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn kéo theo sự trì trệ của công ty vật liệu xây dựng, nội thất…
"Để giải quyết bài toán kinh tế hiện nay, ngoài vấn đề nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng cách thúc đẩy các dự án đầu tư công nhanh chóng được triển khai góp phần giải quyết khó khăn của nền kinh tế", ông Hòa nêu quan điểm.
Trong năm 2022, thủy sản là ngôi sao sáng của nền kinh tế cũng như hoạt động xuất khẩu, nhiều tháng liền giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, tháng 1/2023 vừa qua, kim ngạch chỉ đạt 600 triệu USD, giảm đến 31% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: “Tháng 1/2023 không được lạc quan là hệ lụy kéo dài từ quý IV/2022. Đây cũng là điều đã được dự báo từ trước”.
Ở lĩnh vực dệt may, ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty may mặc Dony chia sẻ, hiện công ty đã có đơn hàng đến tháng 6/2023. Hơn 50% số lượng hàng này là sản phẩm và khách hàng mới. Đơn hàng và khách hàng cũ giảm đến hơn 50%.
Trong bối cảnh đó, công ty gặp khó khăn do tỷ giá USD/VND giảm mạnh so với 2-3 tháng trước đây khiến các đơn hàng trong thời điểm giá USD tăng cao bị mất lợi nhuận. Tỷ giá giảm cũng làm giá bán sản phẩm cao hơn khi xuất khẩu, giảm năng lực cạnh tranh.
“Đồng thời, lãi suất hiện nay quá cao làm doanh nghiệp đội chi phí sản xuất lớn, kéo theo tâm lý doanh nghiệp ngại mở rộng sản xuất. Nếu đơn hàng nhiều, doanh nghiệp cũng chỉ dám đi thuê trang thiết bị dụng cụ, không dám đầu tư mua sắm mới vì lãi suất cao và thị trường chung có nhiều diễn biến phức tạp theo xu hướng xấu. Công ty dự kiến đơn hàng trong quý 1 và 2/2023 sẽ bị giảm từ 30-50% so cùng kỳ”, ông Quang Anh nói.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo đại diện Sở Công Thương Tp.HCM, đến thời điểm này có hơn 95% người lao động đã quay trở lại các nhà máy làm việc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành phố bị sụt giảm đơn hàng (nhiều ngành nghề hiện đơn hàng chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ năm trước), tiếp cận tín dụng khó khăn, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do tình hình thế giới,…
Do đó, báo cáo thương mại của Sở này cho rằng, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gia tăng rủi ro tài chính sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, cho biết ngay trong quý I/2023, Tp.HCM đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào như phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các quận, huyện triển khai ngay chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Tp.HCM ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2023-2027; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành như logistics, thương mại điện tử, hệ thống phân phối, sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Ngành Công Thương Tp.HCM sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm 3 ngành (cơ khí-tự động hóa, chế biến lương thực-thực phẩm, cao su-nhựa); hội thảo định hướng phát triển công nghiệp…nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, hỗ trợ thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn.
Ngày 11/2, tại buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tp.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 tàn phá tiềm lực kinh tế - xã hội nên cuối năm 2022, Tp.HCM mới lấy lại quy mô bằng năm 2019; năm 2020-2021 gần như mất trắng; lấy năm 2023 làm xuất phát điểm lại.
"Nhưng quý IV/2022 xuất hiện khó khăn, Tp.HCM đã bắt đầu ghi nhận, báo cáo Trung ương, Chính phủ. Năm 2023, đặt ra tăng trưởng thành phố là 7,5% đến 8%. Để đạt được 8% là thách thức lớn không chỉ Tp.HCM mà cả các địa phương. Đặt chỉ tiêu này để mong nghe ý kiến, để Thành phố chuẩn bị tâm thế, giải pháp nhằm đạt được hoặc tiệm cận với chỉ tiêu này", ông Mãi nói.
Vì thế, ông Phan Văn Mãi đưa ra hướng phát triển như tập trung giải pháp để hoàn thiện thể chế, nâng cao cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… để đến năm 2030 là thành phố dịch vụ, du lịch, thương mại.
"Khi nào giữ được thì giữ, khi nào tăng tốc được thì tăng tốc và thứ ba là đảm bảo an sinh xã hội. Hiện tại Tp.HCM đang đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc thù cho Tp.HCM, thay bằng thí điểm cơ chế chính sách vượt trội để Tp.HCM khơi lực phát triển; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để Tp.HCM quyết sách mạnh mẽ hơn", ông Mãi nhấn mạnh.
Với con số trên 500.000 doanh nghiệp thuộc cộng đồng doanh nghiệp Tp.HCM, trong năm 2023, địa phương sẽ triển khai chính sách doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đặc biệt, Tp.HCM tính toán xây dựng các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu Thành phố này để nâng cao khả năng cạnh tranh.