Bảng xếp hạng này sử dụng thông tin từ Henley Global Citizens Report kết hợp với New World Wealth để xếp hạng các thành phố giàu có đứng top đầu toàn cầu. Nó dựa vào một bộ dữ liệu toàn diện theo dõi các hoạt động và thói quen chi tiêu của những cá nhân có thu nhập cao hơn mặt bằng chung ở hơn 150 thành phố trên khắp thế giới.
Bài viết hướng đến những thành phố và khu vực tập trung nhiều triệu phú nhất trên thế giới, mỗi người có tài sản ròng lớn hơn 1 triệu USD.
Top 20
Bắc Mỹ có sự hiện hữu mạnh mẽ trong bảng xếp hạng với 7 thành phố giàu có nằm trong danh sách. Đặc biệt, Mỹ chiếm đến 5 vị trí trong top 10, bao gồm cả vị trí đầu bảng với thành phố New York.
Nguồn: Visual Capitalist
Châu Á là khu vực có nhiều triệu phú thứ hai với sáu thành phố. Trung Quốc là quê hương của ba trong số các thành phố này.
Châu Âu đứng ở vị trí thứ ba với năm thành phố, mặc dù chỉ có London lọt vào top 10 của bảng xếp hạng. Cuối cùng, Châu Đại Dương có hai thành phố trong danh sách, cả hai đều nằm ở Úc .
Sự "hoành tráng" của top 5
#1. New York
New York là thành phố giàu có nhất thế giới - nơi sinh sống của 345.600 triệu phú với tổng tài sản cá nhân vượt quá 3 nghìn tỷ USD.
New York là trụ sở của nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 và là trung tâm tài chính của Mỹ với Sàn giao dịch chứng khoán New York và NASDAQ nằm ở Big Apple. Ngoài ra, thị trường bất động sản của thành phố nổi tiếng là đắt đỏ, với giá trị bất động sản và giá thuê cao ngất ngưởng.
#2. Tokyo
Tokyo là trung tâm kinh tế của Nhật Bản và là một trong những thành phố quan trọng nhất trên thế giới về kinh doanh và tài chính. Đây là nơi sinh sống của 304.900 triệu phú cư trú. Con số khổng lồ ấy đã khiến nơi này trở thành thành phố có nhiều triệu phú thứ hai trên thế giới.
Thành phố lớn nhất của Nhật Bản là nơi có Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Á tính theo giá trị vốn hóa thị trường. Tokyo cũng là một trung tâm lớn về ngân hàng và bảo hiểm, đồng thời là trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia như Honda và Sony.
#3. Khu vực Vịnh San Francisco
Khu vực Vịnh San Francisco tự hào có 276.400 triệu phú. Nơi đây được biết đến như là thánh địa của đổi mới công nghệ và do đó, khu vực này tập trung nhiều cá nhân lắm tiền nhiều của. San Francisco cũng có thu nhập hộ gia đình trung bình cao nhất trong cả nước.
Số lượng triệu phú đã tăng đều đặn trong 10 năm qua và nếu xu hướng của những năm gần đây được duy trì, San Francisco có thể trở thành trung tâm triệu phú số một vào năm 2040.
#4. London
London là thành phố giàu có nhất thế giới trong nhiều năm, nhưng trong thập kỷ qua đã có một dòng chảy triệu phú ra đi.
Ngày nay, với 272.400 triệu phú, thành phố đang đứng ở một vị trí khiêm tốn hơn. London được biết đến với các lĩnh vực tài chính và kinh doanh, đồng thời thu hút một số lượng đáng kể các chuyên gia có thu nhập cao, những người góp phần tạo nên danh tiếng cho London là một trung tâm của sự giàu có và sang trọng.
#5. Singapore
Singapore là nơi sinh sống của 249.800 triệu phú, trở thành thành phố giàu thứ hai ở châu Á sau Tokyo.
Singapore là một trong những quốc gia có mật độ hộ gia đình triệu phú cao nhất ở châu Á, với hơn 5% hộ gia đình có ít nhất 1 triệu USD tài sản tài chính ròng. Điều này một phần là do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và môi trường kinh doanh thuận lợi của đất nước, đã thu hút nhiều cá nhân và gia đình giàu có đến đất nước này.
Ngoài ra, sự ổn định chính trị, tỷ lệ tội phạm thấp và mức sống cao của Singapore cũng góp phần khiến Singapore trở thành nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc.
Đất lành chim đậu
Vào năm 2022, các thành phố có ngành công nghiệp dầu khí phát triển mạnh như Riyadh, Sharjah, Dubai, Luanda, Abu Dhabi, Doha và Lagos đã tăng trưởng vượt bậc. Các thành phố ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trở thành thỏi nam châm triệu phú, thu hút hơn 4.000 triệu phú vào năm 2022. Tại Mỹ, các công ty đã chuyển trụ sở chính đến một số bang thân thiện với thuế như Texas và Florida.
Nhìn về tương lai, các công ty và cá nhân có thu nhập cao chắc chắn sẽ chuyển đến nơi họ được đối xử tốt nhất. Các quốc gia muốn thu hút các cá nhân giàu có sẽ phải áp dụng các chính sách thân thiện về thuế cùng với các yếu tố khác như chất lượng cuộc sống, an toàn, giáo dục và khả năng tiếp cận các tiện ích mà cư dân siêu giàu đánh giá cao.
Tham khảo Visual Capitalist