Việt Nam (VN) được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia VN được định giá tăng 11%, từ 388 tỉ USD năm 2021 lên 431 tỉ USD năm 2022. Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp VN cũng gia tăng mạnh mẽ.
Đây là tín hiệu tốt, tuy nhiên trên thực tế số thương hiệu VN được thế giới biết đến còn khiêm tốn.
Bệ đỡ vươn ra thế giới
Mới đây, 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đã được vinh danh tại lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia VN năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia không chỉ là nguồn lực của từng doanh nghiệp mà còn của quốc gia, do đó việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý rằng có được thương hiệu rất khó, duy trì thương hiệu còn khó gấp trăm ngàn lần.
Gạo thương hiệu Việt đã có mặt tại hai hệ thống phân phối hàng đầu của Pháp. Ảnh: QH |
Nhiều công ty cũng thừa nhận con đường để có sản phẩm đạt và duy trì thương hiệu quốc gia không trải đầy hoa hồng. Đơn cử như sản phẩm tôm đông lạnh của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) lần thứ hai liên tiếp được Bộ Công Thương quyết định công nhận đạt thương hiệu quốc gia VN. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN, để đạt được thương hiệu quốc gia không hề đơn giản. Ngoài kết quả sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì cần rất nhiều điều kiện khác về áp dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, sản xuất bền vững…
Ví dụ, công ty phải chủ động được nguồn nguyên liệu sạch, an toàn và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó, công ty đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng cao cấp như Tesco, McDonald’s, Costco, Walmart, Sysco…
Doanh nghiệp đang tiếp thị hàng Việt với đối tác nước ngoài. Ảnh: QH |
“Việc xây dựng thương hiệu tôm Việt ở tầm quốc gia và xây dựng thương hiệu tôm của từng công ty có mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ, đòi hỏi sự kiên trì và chuẩn bị dài hơi để thương hiệu được bền vững. Thương hiệu quốc gia chính là “bệ đỡ” cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng tầm doanh nghiệp và giá trị tôm Việt trên thị trường” - ông Lực nhấn mạnh.
Vinacafé Biên Hòa cũng là một trong những cái tên nhiều năm liền nằm trong danh sách thương hiệu quốc gia VN. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN, nhận xét: Vinacafé Biên Hòa là công ty chuyên về chế biến sâu với những sản phẩm giá trị gia tăng cao. Có sản phẩm chưa đủ, công ty nỗ lực xây dựng hệ thống phân phối đều khắp và sâu rộng nhờ sự hợp tác với Masan Consumer. Qua đó, giúp công ty quảng bá sản phẩm cũng như hình ảnh của công ty đến với người tiêu dùng trong lẫn ngoài nước.
“Thương hiệu quốc gia giúp công ty này tiếp tục củng cố lợi thế về chuỗi phân phối sâu rộng và ổn định. Cùng với đó, khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế với chứng nhận đạt thương hiệu quốc gia giúp thương hiệu của doanh nghiệp tăng độ uy tín với khách hàng, dễ tiếp cận người tiêu dùng nước ngoài” - ông Hải đánh giá.
Phấn đấu có trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia
Phát biểu tại lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia VN năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, phấn đấu đến năm 2030 VN sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia VN. Qua đó, góp phần khẳng định VN là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Còn nhiều việc phải làm
Là doanh nghiệp đưa được sản phẩm có thương hiệu riêng của mình vào hệ thống bán lẻ của châu Âu, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, khẳng định: Gạo thương hiệu “Cơm VN Rice” của công ty đã chính thức lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc. Để làm được điều này, công ty phải xây dựng tốt chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết từ sản xuất đến xuất khẩu; trực tiếp xây dựng thương hiệu và mất rất nhiều thời gian làm việc với các đối tác quốc tế.
“Gạo thương hiệu Việt của chúng tôi đã có mặt tại hai hệ thống phân phối hàng đầu với tổng cộng gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp. Để thực hiện, duy trì được việc này, gạo Lộc Trời không chỉ đáp ứng những yêu cầu cao nhất mà thị trường châu Âu yêu cầu về quy trình canh tác, bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng đạt chuẩn mà còn là tính bền vững và ưu tiên bảo vệ con người, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn” - ông Thuận chia sẻ kinh nghiệm.
Dệt may VN tiếp tục duy trì vị trí trong top 3 các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng thực tế trên bản đồ dệt may toàn cầu lại thiếu vắng thương hiệu riêng của thương hiệu dệt may Việt. Nhiều nhãn hàng của VN nổi tiếng tại thị trường trong nước nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình ra thế giới nên giá trị gia tăng không cao.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, thừa nhận việc tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may thời gian qua tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chứ doanh nghiệp nội địa chưa nhiều.
Vì vậy, theo ông Hồng, trước hết để doanh nghiệp dệt may VN thoát khỏi cái bóng gia công, gia tăng được giá trị sản xuất, xây dựng được thương hiệu thì phải sản xuất theo mô hình OEM, nghĩa là chủ động về nguyên vật liệu. Đồng thời phải tham gia từ quá trình thiết kế ra sản phẩm thì doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội trở thành nhà cung ứng trực tiếp của các nhãn hàng phát triển bền vững hơn.
Ông TRẦN VIỆT ANH,
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM:
Tiếp sức những thương hiệu “sếu đầu đàn”
Nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để bước ra thế giới thì cần những thương hiệu quốc gia có tầm vốn đã và đang được các doanh nghiệp tư nhân lớn, những tập đoàn xây dựng khá tốt. Mỗi ngành hàng xuất khẩu của VN được khách hàng quốc tế biết đến nhờ những “sếu đầu đàn”, những công ty lớn có thương hiệu uy tín, giá trị xuất khẩu cao.
Vì thế, cần có các chính sách đặc biệt, đủ sức nặng để tiếp sức các doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển hơn nữa. Từ đó vừa đồng thời quảng bá phát triển thương hiệu doanh nghiệp, cũng là phát triển thương hiệu của quốc gia vươn ra tầm cỡ khu vực và từng bước ra thế giới. Khi VN không có thương hiệu nổi tiếng thế giới thì thương hiệu quốc gia không thể nâng tầm được.
Mặt khác, khi có những thương hiệu Việt nổi tiếng thì hàng hóa của VN cũng được thơm lây, khách hàng tìm đến nhiều hơn và các doanh nghiệp trong ngành cũng hưởng lợi.
Tuy nhiên, tiếp sức cũng chọn lựa, những doanh nghiệp tư nhân lớn phải có tỉ suất lợi nhuận tốt, đóng góp cao, ổn định vào ngân sách nhà nước. Hoặc tiêu chí doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia đó phải có hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số mạnh mẽ, hàm lượng giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ sản xuất, cung ứng ra thị trường…
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH,chuyên gia kinh tế:
Còn ít thương hiệu Việt được thế giới biết
Các sản phẩm, doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia mới chủ yếu chỉ được biết đến trong nước, thương hiệu VN được thế giới biết đến còn hạn chế. Các sản phẩm VN có thương hiệu tại các nước trên thế giới quá ít, lý do là các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gia công, bán nguyên liệu thô, ít sản phẩm giá trị gia tăng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng. Các doanh nghiệp cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia VN.