Thời gian gần đây, mặt bằng 120 Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) từ văn phòng giao dịch của Công ty TNHH Mekong Auto (Công ty Mekong) đã được đơn vị khác thuê cải tạo thành nhà hàng và chuẩn bị đưa vào kinh doanh.
Đáng nói, mặt bằng này là đất công và thời hạn thuê đất của Nhà nước đã hết từ tháng 6-2021 nhưng Công ty Mekong vẫn cho bên thứ ba thuê lại.
Từ kinh doanh ô tô thành nhà hàng
Công ty Sài Gòn Kỹ nghệ nông cơ (Sakyno) là công ty nhà nước. Năm 1991, Sakyno góp 12% vốn điều lệ (bằng quyền sử dụng đất 1,7ha trong 10 năm kể từ ngày 22-6-1991, giá trị nhà xưởng tại 507 An Dương Vương, quận Bình Tân và giá trị nhà xưởng tại 120 Trần Hưng Đạo, quận 1, rộng hơn 900m2) vào Công ty Mekong.
Năm 1999, UBND TP.HCM ban hành quyết định điều chỉnh cho Sakyno và Công ty Mekong thuê khu đất vàng 120 Trần Hưng Đạo để đầu tư lắp ráp các loại xe ô tô và văn phòng giao dịch, thời hạn thuê đất 30 năm tính từ năm 1991 (hết hạn thuê vào tháng 6-2021).
Mặc dù đã hết hạn thuê đất nhưng tháng 6-2022 Công ty Mekong vẫn ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Nova F&B thuê với thời hạn hai năm để kinh doanh.
Cuối tháng 8-2022, Công ty cổ phần Nova F&B gửi đến UBND phường Phạm Ngũ Lão thông báo về việc sửa chữa cải tạo nhà nguyên trạng. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay mặt bằng này đã được cải tạo từ nơi trưng bày ô tô của Công ty Mekong thành nhà hàng kinh doanh ăn uống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Đình Hậu, phó chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, cho hay phía Công ty cổ phần Nova F&B cung cấp cho phường thông báo sửa chữa nhà nguyên trạng và hợp đồng cho thuê mặt bằng.
"Theo quy định, họ được phép sửa chữa, cải tạo nguyên trạng. Phía phường cũng kiểm tra, giám sát xem sửa chữa đúng hay không...".
Trong khi liên quan mặt bằng này vào tháng 5-2017, Thanh tra TP đã kết luận thanh tra toàn diện Sakyno và chỉ ra nhiều sai phạm sử dụng đất đai và tài sản.
Trên cơ sở kết luận của thanh tra và chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, tháng 2-2018 Sở Tài nguyên và Môi trường TP báo cáo trình UBND TP về việc thu hồi khu đất nêu trên và UBND TP cũng đồng thuận.
Tuy nhiên, việc thu hồi mặt bằng đến nay vẫn chưa thực hiện được do vướng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà TAND huyện Bình Chánh áp dụng từ tháng 10-2017 để bảo đảm giải quyết vụ án liên quan đến Sakyno.
Thiệt hại tài sản nhà nước
Mặt bằng đất vàng 120 Trần Hưng Đạo là một trong những điển hình về tài sản nhà nước bị sử dụng sai, khó thu hồi và có nguy cơ thiệt hại.
Theo hồ sơ, do làm ăn thua lỗ, năm 2005 TAND TP.HCM thụ lý giải quyết thủ tục phá sản đối với Sakyno. Hội nghị chủ nợ đã thống nhất Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thương mại Long Thắng sẽ trả thay các khoản nợ của Sakyno cho các chủ nợ và cho phép Sakyno khôi phục hoạt động.
Tháng 12-2007, Công ty Long Thắng bán quyền chủ nợ duy nhất của Sakyno cho Công ty CP XNK Đại Đông Á để Công ty Đại Đông á mua lại Sakyno. Năm 2008, Công ty Đại Đông Á đã trả hết các khoản nợ của Sakyno với tổng số tiền hơn 54 tỉ đồng.
Công ty Đại Đông Á xin UBND TP bán lại Sakyno, nhưng UBND TP viện dẫn theo quy định pháp luật thì Sakyno phải được sắp xếp lại và chuyển về làm thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Công ty CNS sẽ tiếp nhận và trả nợ của Sakyno cho Công ty Đại Đông Á.
Do chưa được trả lại tiền nên Công ty Đại Đông Á kiện Sakyno ra TAND huyện Bình Chánh để đòi tiền. Xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh tuyên Sakyno phải trả cho Công ty Đại Đông Á nợ gốc là 54,9 tỉ đồng và lãi (tính đến tháng 1-2018) là 71,7 tỉ đồng.
Xử phúc thẩm năm 2018, TAND TP.HCM giữ quan điểm của tòa cấp sơ thẩm, buộc Công ty CNS trả cho Công ty Đại Đông Á tổng số tiền 127 tỉ đồng. Công ty CNS đã làm đơn kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm nhưng các cơ quan tố tụng cấp trên đã không chấp nhận kháng nghị.
Trước việc mặt bằng đang được đơn vị khác thuê sử dụng, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phương Đông, tổng giám đốc Công ty CNS, cho rằng việc Công ty Sakyno quản lý, sử dụng mặt bằng thuê của Nhà nước nhưng hợp tác kinh doanh, cho thuê qua lại như vậy là ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước.
"Thêm nữa, mặt bằng này vẫn đang có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án nhưng tại sao vẫn cho doanh nghiệp khác thuê sử dụng được. Các cơ quan chức năng có liên quan của TP cần kiểm tra, bảo vệ tài sản nhà nước. Về bản án tòa án yêu cầu Công ty CNS trả nợ cho Sakyno thì Công ty CNS đang quyết liệt kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm xem xét lại bản án...", ông Đông nói.
Nhận định về việc cho thuê mặt bằng trên, luật sư Hứa Thị Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng hợp đồng thuê đất của Nhà nước đã hết hạn vào tháng 6-2021.
Như vậy, thời điểm Công ty Mekong cho doanh nghiệp khác thuê thì công ty này không còn quyền sử dụng, định đoạt theo quy định đối với mặt bằng trên. Từ đó dẫn đến hợp đồng cho thuê là không có cơ sở, vô hiệu.
"Về phía cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra và có biện pháp bảo vệ tài sản nhà nước...", luật sư Thảo nói.
Viện kiểm sát Hà Nội vừa ban hành cáo trạng vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là khu đất trên phố Bà Triệu giá trị gần 320 tỉ. Vụ án này có nhiều tình tiết ly kỳ từ “hợp tác” đầu tư gom đất thành “nhờ đứng tên” rồi bán đất chiếm đoạt tiền.
Xem thêm: mth.43203053231203202-gnud-us-ut-ov-nahn-ut-coud-iod-auhc-coun-ahn-gnav-tad/nv.ertiout