Ngày 14-2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết đã nối thành công trường hợp một nữ bệnh nhân bị lột rời toàn bộ da đầu kèm hai tai và hai mí mắt.
Bệnh nhân nữ L.T.N. (36 tuổi, Lai Châu), tháng 4-2022 khi đang làm thì chị N. bất ngờ bị tai nạn quấn tóc vào máy làm giấy.
Sau tai nạn, toàn bộ da đầu bị giật đứt rời cùng với hai tai và hai mí mắt trên. Người bệnh được sơ cứu tại bệnh viện địa phương và chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào trưa cùng ngày.
Chị N. nhập viện trong tình trạng tỉnh nhợt, mạch nhanh, huyết áp thấp, vùng đầu được băng dày nhiều lớp nhưng vẫn chảy máu nhiều do diện lột da quá lớn.
Mảnh da đầu cùng hai tai và hai mí mắt trên của bệnh nhân bị lột đứt rời hoàn toàn đã được bảo quản lạnh.
TS Vũ Trung Trực - phó trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt, tạo hình, thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết việc nối lại da đầu đứt rời với kỹ thuật khâu phục hồi mạch máu dưới kính hiển vi vẫn đang là phương pháp tối ưu nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Đây là ca phẫu thuật phức tạp, thời gian mổ kéo dài tới gần 10 giờ đồng hồ nên cần phải đủ các yếu tố về nhân lực và vật lực cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và đồng đều giữa các chuyên khoa trong bệnh viện.
Bên cạnh phần da đầu bị lột rộng cùng với hai tai và hai mí mắt thì vết thương còn kéo dài qua má xuống gần đến vùng cằm ở cả hai bên, tổn thương này làm kéo dài thêm thời gian phẫu thuật.
Việc phục hồi mạch máu cũng gặp nhiều khó khăn do các mạch máu ở vùng thái dương hai bên bị giập nát. Các bác sĩ đã phải nối lại các mạch máu nhỏ ở hai bên thái dương…
Hiện sau phẫu thuật 8 tháng, toàn bộ da đầu, hai tai, hai mí mắt người bệnh đã phục hồi và đã quay lại với cuộc sống bình thường.
Ca phẫu thuật phức tạp nhất từ trước tới nay
PGS Nguyễn Hồng Hà - trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt, tạo hình, thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: "Đây có lẽ là một trong những trường hợp lột da đầu rộng và phức tạp nhất từ trước tới nay, kể cả so với y văn thế giới. Da đầu người bệnh bị lột toàn bộ từ mi mắt hai bên đến gáy vòng xuống rời cả hai tai.
Gặp những tổn thương này, việc sơ cấp cứu ban đầu là rất quan trọng như hồi sức, cầm máu tốt, bảo quản đúng và kịp thời chuyển người bệnh đến cơ sở có đủ khả năng phẫu thuật càng sớm càng tốt sẽ giúp tăng khả năng thành công của phẫu thuật.
Đối với các trường hợp không thể nối lại vi phẫu, sẽ rất khó cho các bác sĩ để có thể tạo hình lại cho người bệnh, dù có trải qua hàng chục qua mổ, vài năm điều trị và tốn cả tỉ đồng thì cũng chỉ có thể phục hồi được phần nào mà vẫn để lại những di chứng hết sức nặng nề".
TTO - Một nam thanh niên 17 tuổi, bị đứt lìa bàn tay phải, đã được các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ khâu nối mạch máu thành công.