Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Thái, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.
Ông Thái bị điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hai người khác nguyên là trưởng ban, phó ban của nhà xuất bản cũng bị khởi tố.
Đồng thời, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bà Tô Mỹ Ngọc - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng.
Kết quả xác minh đến nay cho thấy có sự móc ngoặc giữa Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam và công ty cung cấp giấy in sách, giá giấy in bị đẩy lên cao bất thường.
Giá mua giấy in sách giáo khoa chênh lệch cả trăm tỉ đồng
Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2021, nhà xuất bản in hơn 164 triệu cuốn sách giáo khoa, tổng doanh thu đạt 1.828 tỉ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách; lãi sau thuế 287 tỉ.
Cuối tháng 12-2022, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận, cho rằng việc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh "có nhiều bất thường, chưa đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế".
Cụ thể, việc xác định nhu cầu sản xuất của Nhà xuất bản Giáo Dục không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là giấy in). Việc này đã làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Từ trước ngày 22-8-2017, nhà xuất bản chưa ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu in sách giáo khoa, cung cấp vật tư, giấy in... để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo quy định.
Nhà xuất bản cũng chưa bổ sung đăng ký kinh doanh nhập khẩu giấy in hoặc tổ chức thực hiện việc ủy thác nhập khẩu giấy in để giảm bớt chi phí trung gian, giảm giá thành sách. Đơn vị này còn sử dụng giấy in định lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia.
Cơ quan thanh tra đưa ra dẫn chứng, trong giai đoạn năm 2014-2019, nhà xuất bản chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in và lặp lại trong nhiều năm. Trong đó, Công ty CP giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83% số lượng giấy của nhà xuất bản, tương đương gần 1.900 tỉ đồng.
Đáng chú ý, kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Công ty Phùng Vĩnh Hưng cho nhà xuất bản cho thấy giá giấy in được bán cao bình quân khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp, tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỉ đồng.
Những nội dung trên đã được cơ quan thanh tra chuyển sang Bộ Công an để điều tra, xử lý.
Kết quả điều tra đến nay xác định ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với ba bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Đức Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ bà Tô Mỹ Ngọc.
Học sinh phải gánh giá sách giáo khoa cao bất hợp lý
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc phát hành sách giáo khoa qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian "nên chưa tiết kiệm được chi phí". Tỉ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25% bị kết luận là cao, chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác.
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra, xác minh tại Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam còn cho thấy giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán của đơn vị này có sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua bằng giá đã đăng ký giá từ năm 2011 được ấn định trên bìa sách.
Mức giá mà người dân phải mua bị xác định cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 85 tỉ đồng.
Trong khi đó, "việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh sách giáo khoa còn một số thiếu sót, vi phạm dẫn đến giá sách giáo khoa đã được nhà xuất bản đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý", kết luận nêu.
Thanh tra Chính phủ còn kết luận Nhà xuất bản Giáo Dục chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đã thực hiện tăng giá sách giáo khoa 16,9% từ năm học 2019-2020.
Cơ quan thanh tra kiến nghị Nhà xuất bản Giáo Dục phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa cao hơn giá phải đăng ký đúng.
Nguyên chủ tịch nhà xuất bản từng bị kỷ luật vì sai phạm liên quan sách giáo khoa
Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Đức Thái từng có 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, bắt đầu từ năm 2017.
Hồi tháng 7-2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái.
Ông Thái bị xác định có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới.
Nguyên chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo Dục bị xác định vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Xem thêm: mth.4574702141203202-tab-ib-man-teiv-cud-oaig-nab-taux-ahn-hcit-uhc-neyugn-oas-iv/nv.ertiout