vĐồng tin tức tài chính 365

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nỗ lực cứu người, đường cứu trợ Syria rộng hơn

2023-02-15 06:40

Tính đến tối 14-2 (theo giờ Việt Nam), số người thiệt mạng trong động đất ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên đến hơn 37.000 người, hãng tin Reuters dẫn số liệu từ hai nước. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều đang vật lộn với hậu quả động đất.

Giai đoạn cứu hộ sắp kết thúc

Ngày 13-2, cuộc tìm kiếm tuyệt vọng người sống sót bước vào giai đoạn cuối cùng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ sử dụng chó nghiệp vụ và máy ảnh nhiệt khảo sát các khu chung cư bị sập để tìm dấu hiệu sự sống một tuần sau thảm họa, theo hãng tin AP.

Vẫn còn người được cứu bảy ngày sau động đất. Tại tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 13-2, anh Huseyin Berber được cứu sau 183 giờ bị chôn dưới đống đổ nát, theo hãng thông tấn Anadolu. Trước đó cùng ngày, cậu bé 13 tuổi cũng được cứu ở tỉnh Hatay. Một bé gái 10 tuổi tên Ayca Ceplin đã được cứu sống ở tỉnh Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) trong giờ thứ 185 sau động đất, theo đài CNN Turk. Tại tỉnh Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ), một phụ nữ được cứu từ đống đổ nát của một tòa nhà năm tầng.

Trong ngày 13-2, Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ thêm hàng chục nhà thầu liên quan đến các tòa nhà bị sập trong động đất, bắt 97 người có hành vi trộm cắp và cướp bóc ở vùng động đất, bắt hàng chục người bị nghi lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến “gieo rắc nỗi sợ hãi và hoảng loạn trong dân”.

Những phép màu như vậy không làm các chuyên gia lạc quan hơn. Theo họ, cánh cửa cứu hộ gần như đã đóng lại do khoảng thời gian dài đã trôi qua, cái lạnh khắc nghiệt dưới âm độ và mức độ nghiêm trọng của tòa nhà sụp đổ. Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter và các dư chấn sau đó đã biến những khu vực rộng lớn gồm các thị trấn và TP thành núi bê tông vỡ và kim loại xoắn.

Ngày 13-2, ông Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp tại Liên Hợp Quốc (LHQ), cho biết “giai đoạn cứu hộ, kéo người còn sống ra khỏi đống đổ nát và tìm kiếm những người đã chết sắp kết thúc”. Và “giờ là giai đoạn nhân đạo, khẩn cấp cung cấp nơi trú ẩn, chăm sóc tâm lý xã hội, thực phẩm, trường học và ý thức về tương lai” cho người còn sống.

Thổ Nhĩ Kỳ cần nhiều hơn nữa

Khủng hoảng nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa rất lớn. Khoảng 100 km từ tâm chấn, ngôi làng Polat của Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không còn ngôi nhà nào. Người sống sót cho biết không có đủ lều cho người vô gia cư và nhiều gia đình phải ngủ trong bùn để chống chọi với cái lạnh, theo AP.

Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động các tình nguyện viên giúp đỡ hàng triệu người sống sót. Ngày 13-2, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 150.000 người sống sót đã được sơ tán khỏi các tỉnh bị ảnh hưởng.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nỗ lực cứu người, đường cứu trợ Syria rộng hơn ảnh 1

Cậu bé tên Kaan được cứu từ một tòa nhà bị sập ở huyện Antakya tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) trong ngày 13-2. Ảnh: ANADOLU/GETTY IMAGES

Ông Enif Yavuz Dispar, người đứng đầu Dịch vụ xã hội Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), kêu gọi “chúng tôi cần nhiều hơn nữa, vì đây là một thảm họa chưa từng thấy trước đây. Chúng tôi không thể đứng một mình, xin đừng quên chúng tôi”. Tổ chức này hiện có hơn 20.000 tình nguyện viên làm việc 24 giờ/ngày, bảy ngày/tuần ở hai trung tâm điều phối chính.

Theo người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric, những mặt hàng LHQ đang cần là xe cứu thương, thuốc men, nơi trú ẩn, máy sưởi và thực phẩm khẩn cấp, nước, các vật dụng vệ sinh.

Tổng thống Syria đồng ý mở thêm cửa khẩu

Viện trợ đã đến các khu vực do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, vùng tây bắc do phiến quân kiểm soát nhận rất ít sự giúp đỡ do việc vận chuyển rất phức tạp. Nguồn tin từ Hayat Tahrir al-Sham, một nhóm Hồi giáo kiểm soát phần lớn khu vực, cho biết sẽ không cho phép vận chuyển hàng hóa từ các khu vực do chính phủ kiểm soát qua tiền tuyến. Vì thế, việc chở hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa khẩu đến khu vực Tây Bắc Syria là phương án khả dĩ nhất.

Tổng cộng có 58 xe tải liên ngành của LHQ chở hàng viện trợ đến Tây Bắc Syria thông qua cửa khẩu Bab Al-Hawa từ Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 9-2, theo đài CNN. Tuyến đường này được duy trì từ năm 2014 để cung cấp viện trợ cho hàng triệu người ở tây bắc Syria.

Ngày 13-2, ông Griffiths đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad thảo luận nhu cầu nhân đạo “khẩn cấp” và các phương án chuyển hàng viện trợ. Theo truyền thông nhà nước Syria SANA, “Tổng thống al-Assad khẳng định sự cần thiết phải cung cấp viện trợ khẩn cấp cho tất cả khu vực ở Syria, bao gồm cả những khu vực đang bị chiếm đóng và chịu sự thống trị của các nhóm khủng bố vũ trang”.

Tổng thống al-Assad đã đồng ý mở thêm hai cửa khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đến vùng Tây Bắc Syria do phiến quân kiểm soát để cung cấp hàng viện trợ và thiết bị rất cần thiết cho hàng triệu nạn nhân động đất. Cụ thể, hai cửa khẩu Bab Al-Salam và Al Raée sẽ được mở trước mắt là trong ba tháng. Như vậy, LHQ có thể sử dụng tổng cộng ba cửa khẩu biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ để đến Tây Bắc Syria. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh quyết định của Tổng thống al-Assad.

Chuyện mở cửa khẩu Syria nóng tại Hội đồng Bảo an

Trước khi Tổng thống al-Assad đồng ý, cuối tuần rồi ông Griffiths nói rằng ông sẽ xin phép Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để mở rộng quyền tiếp cận từ Thổ Nhĩ Kỳ nếu chính phủ Syria không đồng ý mở thêm cửa khẩu.

Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Riviere nêu ý kiến rằng nếu thỏa thuận của ông al-Assad mở thêm hai cửa khẩu không được thực hiện một cách minh bạch và bền vững thì HĐBA nên xem xét thông qua nghị quyết cho phép tiếp cận. Bất kỳ nghị quyết nào tại HĐBA cũng cần chín phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh hoặc Pháp.

Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy nêu ý kiến rằng không cần nghị quyết như vậy, “vì đó là quyết định có chủ quyền của Syria”. Theo ông Polyanskiy, việc HĐBA trước đó cho phép LHQ tiếp cận viện trợ thông qua cửa khẩu biên giới Bab Al-Hawa là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Ông cảnh báo rằng bất kỳ sự thúc đẩy nào cho một giải pháp sẽ chính trị hóa vấn đề và không giúp ích gì cho người Syria.

Đại sứ Syria tại LHQ Bassam Sabbagh cũng cho rằng một nghị quyết của HĐBA là không cần thiết, vì đó là một thỏa thuận giữa Syria và LHQ.

LHQ kêu gọi cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ duy trì hỗ trợ nhân đạo trong khoảng ba tháng. Đại sứ Syria tại LHQ Bassam Sabbagh xác nhận Syria sẽ hỗ trợ việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo thông qua tất cả các điểm có thể từ bên trong Syria hoặc qua biên giới trong ba tháng. Trước đó, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad cho biết bất kỳ viện trợ nào mà nước này nhận được đều phải đi qua thủ đô Damascus. Ông Griffiths cũng cho biết LHQ sẵn sàng giúp chuyển viện trợ từ phía bắc do quân chính phủ kiểm soát sang phía tây bắc do phiến quân kiểm soát.•

ĐĂNG KHOA

Xem thêm: lmth.978917tsop-noh-gnor-airys-ort-uuc-gnoud-iougn-uuc-cul-on-nav-yk-ihn-oht/nv.olp

“Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nỗ lực cứu người, đường cứu trợ Syria rộng hơn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools