Theo Hãng tin Reuters, trọng tâm của nỗ lực viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất ngày 6-2 đã chuyển sang giúp đỡ người sống sót. Họ đang phải vật lộn với cảnh không có nơi trú ẩn hoặc đủ thức ăn trong cái lạnh buốt giá.
Trận động đất 7,8 độ hồi tuần trước đã tàn phá nhiều thành phố ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến nhiều người sống sót trở thành người vô gia cư giữa thời tiết giá rét.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thừa nhận các vấn đề trong phản ứng ban đầu sau trận động đất, nhưng cho biết tình hình hiện đã được kiểm soát.
"Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất không chỉ ở đất nước chúng ta mà còn trong lịch sử nhân loại", ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình ở Ankara.
Trong số những người được giải cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 14-2, cá hai anh em, 17 và 21 tuổi, được kéo ra từ một khu chung cư ở tỉnh Kahramanmaras, cùng một người đàn ông và một phụ nữ trẻ người Syria ở Antakya. Họ được giải cứu sau hơn 200 giờ mắc kẹt trong đống đổ nát.
Một người cứu hộ cho biết có thể còn tìm thấy nhiều người còn sống hơn nữa.
Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc cảnh báo giai đoạn giải cứu sắp kết thúc, và trọng tâm tiếp theo là cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm và trường học cho người sống sót.
Nỗi lo của người sống sót sau động đất
Ông Hassan Saimoua, một người tị nạn đang ở cùng gia đình trong một sân chơi ở thành phố Gaziantep, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: "Mọi người đang phải chịu đựng rất nhiều. Chúng tôi đã nộp đơn xin nhận lều, viện trợ hoặc thứ gì đó, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thứ gì".
Ông Saimoua và những người Syria khác đã đến thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ để tránh chiến tranh ở quê nhà, nhưng nay lại trở thành người vô gia cư do trận động đất. Họđã sử dụng các tấm nhựa, chăn và bìa cứng để dựng lều tạm.
Ông Hans Henri P. Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu cho biết nhu cầu viện trợ là rất lớn và đang tăng lên theo từng giờ. "Khoảng 26 triệu người ở cả hai quốc gia cần hỗ trợ nhân đạo", ông nói.
Cũng theo ông Kluge, thời tiết giá lạnh, vệ sinh và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm là những mối lo ngại mới đối với người sống sót sau động đất.
Ám ảnh tâm lý sau động đất
Tại một bệnh viện dã chiến ở thành phố Iskenderun, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tá Quân đội Ấn Độ Beena Tiwari cho biết các bệnh nhân ban đầu đến với những vết thương trên cơ thể, nhưng điều đó dần đang thay đổi.
"Bây giờ nhiều bệnh nhân tìm đến với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, bởi tất cả những cú sốc mà họ đã trải qua trong trận động đất", bà Tiwari cho biết.
Theo Reuters, các gia đình ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nói họ và con cái đang phải đối phó với hậu quả tâm lý của trận động đất.
"Mỗi khi quên, nó nghe thấy một âm thanh lớn và sau đó nhớ lại mọi thứ", ông Hassan Moaz nói về đứa con 9 tuổi của mình ở Aleppo, Syria.
"Khi nó đang ngủ vào ban đêm và nghe thấy tiếng động, nó thức dậy và nói với tôi: 'Bố ơi, dư chấn!'", ông Moaz kể.
Tại một số khu vực ở Kahramanmaras, trung tâm vụ động đất Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ cho biết vẫn còn nghe tiếng động.
Xem thêm: mth.56532536051203202-airys-yk-ihn-oht-o-tad-gnod-uas-tehc-iougn-000-04-noh/nv.ertiout