Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115 khởi công ngày 5-7-2016. Tổng diện tích sàn xây dựng trên 19.000m2, với số vốn đầu tư hơn 332 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của TP.HCM.
Tòa nhà gồm 10 tầng, có 2 tầng hầm riêng và đường hầm kết nối với khu vực cấp cứu, điều trị ngoại trú. Đặc biệt, tòa nhà có sân đáp trực thăng, bệnh viện kỳ vọng mở ra cơ hội cấp cứu hàng không trong tương lai.
Ông Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết đơn vị vinh dự được UBND TP.HCM lựa chọn là một trong các cơ sở y tế tham gia vào tiến trình xây dựng ngành y tế thành trung tâm y tế chuyên sâu, ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời là cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM và cả nước.
Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 bày tỏ sự kỳ vọng khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao sẽ là trung tâm chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, từng bước phát triển thành trung tâm công nghệ 4.0 của ngành y tế TP.
"Đặc biệt bệnh viện sẽ đưa vào triển khai một hình thức cấp cứu mới bằng đường không, giúp người bệnh ở các nơi có cơ hội điều trị" - ông Báu nói.
Ngoài ra, đây sẽ là nơi triển khai các kỹ thuật cao, trong đó có chuyên ngành y sinh học phân tử, điều trị gene, tế bào gốc. Khám tầm soát chuyên sâu chẩn đoán sớm, điều trị các bệnh lý đột quỵ, thần kinh, tim mạch, ung thư, chống lão hóa nâng cao tuổi thọ và chất lượng sống…
Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định việc đưa khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao vào hoạt động là sự nỗ lực rất lớn từ bệnh viện. Với việc được đầu tư các trang thiết bị hiện đại chuẩn quốc tế, ông Đức tin tưởng sẽ là cơ sở cho việc giữ vững và phát huy vị thế của trung tâm y tế chuyên sâu của TP.HCM và cả khu vực phía Nam.
Các dự án nào sắp hoàn thành?
Ngoài dự án này, trong năm 2023, ngành y tế TP.HCM dự kiến hoàn thành hàng loạt dự án trọng điểm, gồm khối nhà ngoại khoa (Bệnh viện Nguyễn Trãi), Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Sơ sinh và các chuyên khoa khác, khối điều trị ngoại khoa (Bệnh viện Nhi đồng 1).
Đặc biệt trong tháng 4, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 dự kiến khai trương toàn phần sau nhiều năm xây dựng, vận hành từng khu vực.
Vào cuối năm 2023, TP.HCM còn 3 dự án bệnh viện khu vực cửa ngõ trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành gồm: TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi.
“Điểm nghẽn” chờ mổ có thể sẽ được khai thông khi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) chính thức vận hành toàn phần và tăng hệ thống phòng mổ hiện đại.