vĐồng tin tức tài chính 365

Hàng Việt thất thế trên các sàn thương mại điện tử

2023-02-15 16:16

Hàng Trung Quốc áp đảo 

Trên Lazada, chúng tôi đặt mua giày thể thao được quảng cáo là ultra boost (sử dụng công nghệ theo dõi chuyển động) của một cửa hàng ở TP Hà Nội với giá khuyến mãi đến khó tin: 1.100 đồng/đôi. Sàn mặc định phải chọn phương thức giao hàng tiêu chuẩn với phí giao hàng 23.600 đồng, thời gian nhận hàng từ ngày 18 - 20/2. Đặt tiếp đôi giày nữ Wari của cửa hàng ở TPHCM với giá chỉ 3.200 đồng thì phí giao hàng tiêu chuẩn là 18.900 đồng, thời gian nhận hàng là ngày 16 - 17/2. 

Ở một gian hàng của nước ngoài, đôi giày lưới không thương hiệu được quảng cáo thoáng khí, siêu nhẹ, siêu êm chỉ có giá 101.000 đồng/đôi. Nếu chọn điểm nhận ở TPHCM thì phí giao hàng chỉ 16.300 đồng/đôi, thời gian nhận hàng từ ngày 21 - 27/2; nếu điểm nhận hàng ở Hà Nội thì phí giao hàng chỉ 12.300 đồng/đôi, thời gian nhận hàng từ ngày 18 - 25/2. 

Nhiều loại giày thể thao từ Trung Quốc được bán trên một sàn thương mại điện tử với giá từ vài chục ngàn đến 200.000 đồng/đôi - ẢNH: THANH HOA
Nhiều loại giày thể thao từ Trung Quốc được bán trên một sàn thương mại điện tử với giá từ vài chục ngàn đến 200.000 đồng/đôi - Ảnh: Thanh Hoa

Khi chọn đôi giày của một thương hiệu Việt Nam khá nổi tiếng, chúng tôi thấy giá là 1.269.000 đồng/đôi; nếu cửa hàng đặt ở TPHCM thì phí giao hàng là 19.900 đồng, thời gian nhận hàng là ngày 16 - 17/2, còn nếu cửa hàng đặt ở TP Hà Nội và điểm nhận hàng ở TPHCM thì phí giao hàng là 30.900 đồng, thời gian nhận hàng từ ngày 16 - 22/2. 

Ông Hồ Đình Viên - Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang xuất khẩu Veco - cho hay, sản phẩm của Veco đang có mặt ở khắp các trang thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram. Nhờ có các kênh bán hàng trực tuyến (online), doanh thu từ các đại lý, nhà phân phối (có cả nhà phân phối nước ngoài như Malaysia, Singapore) gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, không chỉ Veco mà nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đều bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh của sản phẩm Trung Quốc và các gian hàng của nước ngoài trên các sàn TMĐT. Theo ông, từ năm 2021 trở về trước, hàng Trung Quốc ở Việt Nam chưa nhiều nhưng từ năm 2022 trở đi, sản phẩm của Trung Quốc áp đảo cả hàng Việt Nam lẫn Thái Lan. 

Cũng theo ông Hồ Đình Viên, hiện trên các sàn TMĐT, không ít cửa hàng lấy hình ảnh đẹp từ các cửa hàng bên Trung Quốc hoặc của thương hiệu nổi tiếng nào đó để đăng quảng cáo nhằm thu hút người mua. Sản phẩm đến tay người mua không giống như quảng cáo là do các chủ cửa hàng này đặt các xưởng bên Trung Quốc sản xuất ra các sản phẩm na ná các hình ảnh đẹp trên với giá rẻ. 

“Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến xuất xứ, chất lượng sản phẩm chứ không chỉ quan tâm giá rẻ. Để bán hàng thành công và bền vững trên sàn TMĐT, DN cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ”. 

Bà Lê Thị Hiền - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ R2D

Do tình trạng này, các DN giày da, dệt may của Việt Nam khó cạnh tranh nổi, số cửa hàng trên các sàn TMĐT chính thức ngày càng giảm dần. Tình trạng này còn diễn ra ở các lĩnh vực như mỹ phẩm, đồ gia dụng nhà bếp, thậm chí cả thực phẩm chức năng và thuốc. 

“Veco cũng bị ảnh hưởng, bằng chứng là sức mua từ đại lý giảm. Để tồn tại, DN phải đổi mới thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện mỗi thương hiệu Việt Nam đều có fan (người hâm mộ) riêng. Nói chung, tiền nào của đó, sau vài lần nhận hàng không như quảng cáo, người dùng sẽ quay lưng với các điểm bán hàng gian dối. Nên nếu DN tiếp tục duy trì và làm tốt hơn nữa thì sẽ vượt qua khó khăn” - ông Hồ Đình Viên nhận định. 

Doanh nghiệp Việt cần quan tam mẫu mã, cách bán hàng 

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Công ty Haravan (chuyên cung cấp giải pháp phát triển TMĐT) - đa số khách hàng trẻ hiện nay trung thành với lợi ích chứ không trung thành với đơn vị bán hàng. Cùng loại sản phẩm, nơi nào bán giá rẻ thì họ mua. Trong khi đó, phần lớn hàng Trung Quốc có giá rẻ do được sản xuất với số lượng lớn. Những người bán hàng ở Việt Nam nhập hàng Trung Quốc về đăng bán với số lượng nhỏ để kiếm lời cũng khó cạnh tranh về giá với đơn vị bán hàng bên Trung Quốc.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn cho biết, nhóm hàng được bán nhiều nhất trên các sàn TMĐT Việt Nam là mỹ phẩm, hàng thời trang, phụ kiện công nghệ, đồ gia dụng và trang trí. Trong đó, hàng Trung Quốc chiếm hơn 50%, do người Việt Nam và cả người nước ngoài phân phối. Thời gian và phí giao hàng từ Trung Quốc đến TPHCM hay từ TP Hà Nội đến TPHCM hiện không chênh lệch nhiều, thậm chí phí giao hàng từ Trung Quốc đến các tỉnh, thành của Việt Nam còn rẻ hơn phí giao hàng giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với nhau. Đó là do các nhà phân phối ở Trung Quốc có tiềm lực mạnh, bán với số lượng nhiều. 

Theo ông, trên sàn TMĐT, hàng Việt Nam phải là hàng của DN đã có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin dùng thì mới bán được và DN không lo cạnh tranh về giá. Nếu người kinh doanh muốn nhập hàng Việt Nam bán lại kiếm lời thì hiệu quả không cao; kể cả nhập hàng Trung Quốc về bán cũng không cạnh tranh được với các gian hàng bán trực tiếp từ Trung Quốc.  Hàng Trung Quốc đang áp đảo, tuy nhiên, vẫn có những DN Việt tự tin kinh doanh trên các sàn TMĐT. 

Bà Lê Thị Hiền - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ R2D (chuyên sản xuất than không khói, nến thơm) - cho rằng, sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu thì không lo cạnh tranh về giá. Nhờ làm từ xác cơm dừa nên nến thơm của R2D có giá khá cạnh tranh và bán trên các sàn TMĐT khá hiệu quả, doanh thu năm 2022 tăng 60% so với năm 2021. Công ty còn xuất khẩu thành công nến thơm thông qua các sàn Amazon, Alibaba… 

Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Da giày Phi Long - thừa nhận, công ty ông cũng gặp khó khăn khi bán hàng trên sàn, nhưng ông vẫn tin rằng, thương hiệu Việt có phân khúc riêng. Ông khẳng định, hàng Trung Quốc có giá rẻ là hàng tồn kho, lỗi mốt, không có thương hiệu, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Còn nếu là hàng Trung Quốc mới sản xuất, có thương hiệu, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì giá luôn cao hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam. 

“Hàng Việt tự tin về chất lượng sản phẩm. Nhưng nếu cùng một phân khúc sản phẩm (tương đồng về giá cả, chất lượng), khách mua hàng của nước ngoài mà được giao hàng nhanh hơn, chi phí giao hàng rẻ hơn thì DN Việt phải xem lại” - ông Trần Thanh Phong nói. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, đa số DN Việt Nam sản xuất được sản phẩm chất lượng tốt nhưng lại chưa đầu tư bài bản cho mẫu mã, quảng cáo. Ngược lại, nhà sản xuất Trung Quốc làm sản phẩm có chất lượng bình thường nhưng hình thức bắt mắt và sẵn sàng chi tiền thuê người nổi tiếng để quảng cáo, có đội ngũ live stream bán hàng chuyên nghiệp để bán được số lượng lớn. “DN Việt Nam cần được huấn luyện kỹ năng để bán được hàng trên sàn TMĐT hiệu quả” - ông nói. 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.0115841a-ut-neid-iam-gnouht-nas-cac-nert-eht-taht-teiv-gnah/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Hàng Việt thất thế trên các sàn thương mại điện tử ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools