Bộ Công Thương nhắc nhở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Trong văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Bộ Công thương yêu cầu tập đoàn phải báo cáo thời điểm chính thức bao tiêu sản phẩm dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trước đó, Bộ Công thương đã có yêu cầu tương tự cuối 2022 nhưng đến nay chưa nhận được báo cáo.
Do PVN chậm trễ, Bộ Công thương đề nghị khẩn trương có báo cáo ngay trong tháng 2-2023. Trong đó nêu rõ ngày PVN chính thức bao tiêu sản phẩm của dự án theo hợp đồng; ngày vận hành thương mại của dự án theo quy định tại các tài liệu liên quan như hợp đồng EPC, thỏa thuận cam kết, bảo lãnh của Chính phủ…
Theo quy định, Nhà nước xử lý tài chính cho PVN để thanh toán khoản tiền bù giá đối với sản phẩm thực nhận của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhưng không quá 10 năm kể từ thời điểm PVN chính thức bao tiêu sản phẩm.
Do đó, việc xác định thời điểm chính thức bao tiêu sản phẩm cho dự án sẽ làm cơ sở để cơ quan chức năng thực hiện bù giá với dự án này.
Có tới hơn 3.500 lối đi tự mở trên toàn mạng lưới đường sắt
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại toàn mạng lưới đường sắt có 5.023 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt.
Trong đó có 1.510 đường ngang, chiếm tỉ lệ 30% và 3.513 lối đi tự mở, chiếm tỉ lệ 70%.
Theo Cục Đường sắt, con số này cao nhưng đã... giảm nhiều so với cách đây 2 năm. Cụ thể, sau 2 năm (từ 2020 đến nay) cơ quan chức năng, các địa phương đã rào đóng, xóa bỏ được 511 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm trên các tuyến đường sắt, đạt 12,6%.
Rào thu hẹp lối đi tự mở tại 1.448/1.879 vị trí, đạt 77%.
Cục đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua tiếp tục ưu tiên kinh phí đầu tư thực hiện việc xây dựng hàng rào, đường gom, công trình phụ trợ khác để xóa bỏ lối đi tự mở nguy hiểm…
Nâng phụ cấp cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành nghị định 05/2023, nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% (tính theo lương) với viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng, kiểm dịch biên giới, chuyên môn y tế tại trạm y tế xã phường, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện...
Mức phụ cấp này sẽ áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2023. Trước đó, phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế mức cao nhất là 70%.
Ngoài ra, từ ngày 1-7 tới, nhân viên y tế nói chung, trong đó có cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở... cũng sẽ được nâng lương cơ bản theo quy định mới về lương.
Tuy nhiên kể cả việc có thêm phụ cấp, lương và thu nhập cán bộ y tế (nhất là ở cơ sở) vẫn được nói nhiều do ở mức thấp: bác sĩ học 6 năm ra trường được xếp lương tương đương các ngành học 4 năm; phụ cấp 1 ca trực đêm ở bệnh viện trung ương chỉ 115.000 đồng; phụ cấp cho 1 ca mổ (loại đại phẫu) chỉ 280.000 đồng...
Trong 18 tháng tính đến tháng 9-2022 có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ/bỏ việc.
Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc giảm mạnh nhất trong tháng đầu năm
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm cả nước nhập khẩu hơn 139.000 tấn phân bón, tương đương hơn 57 triệu USD. Trong đó, phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh nhất với gần 60%.
Cụ thể, trong tháng 1, nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo này tiếp tục giảm mạnh 44% về lượng, giảm hơn 59% kim ngạch, và giảm hơn 27% về giá so với tháng 12-2022. So với tháng 1-2022 thì giảm 48,9% về lượng, giảm 55,2% kim ngạch và giảm 12,3% về giá.
Tính chung, nhập khẩu phân bón từ các thị trường đều giảm mạnh về lượng, về kim ngạch và giảm về giá so với cùng kỳ.
Một số tin tức đáng chú ý: Trung Quốc là đối tác duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 10 tỉ USD trong tháng 1; TP.HCM họp xử lý rác; Bác sĩ Việt Nam được Hội đột quỵ thế giới đề cử cá nhân xuất sắc...