“Tăng trưởng xanh là yếu tố sống còn để đảm bảo một tương lai bền vững hơn và có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lớn theo thời gian”. Điều này được GS. Tomonori Sudo đến từ Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương khẳng định tại Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản - Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh Covid-19”, diễn ra sáng nay (15/2).
GS. Tomonori Sudo cho rằng, lợi ích tiềm năng từ tăng trưởng xanh là khá lớn, nhưng cần phải hài hòa các ưu tiên ngắn hạn với các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn để chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, cần có một chương trình nghị sự chính sách song hành để hướng dẫn hành động quốc gia và quốc tế về tăng trưởng xanh ở các nước đang phát triển.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), là nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao, nhưng Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương do hứng chịu không ít tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu toàn cầu.
Việt Nam đã rất chủ động đề ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, và Quyết định số 882/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Đồng quan điểm, GS. Tomonori Sudo cho rằng, Việt Nam đang có đủ tiềm năng để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, với các lĩnh vực chính có thể thúc đẩy tăng trưởng xanh là như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, canh tác hữu cơ, nuôi trồng hải sản hữu cơ...
“Chỉ có một số nước phát triển đang có những hành động thiết thực trong lĩnh vực này. Ngược lại, các nước đang phát triển như Việt Nam có vị thế tốt để dẫn đầu tăng trưởng xanh”, GS. Tomonori Sudo nhận định.
Theo các chuyên gia tại diễn đàn, Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Trong đó, hợp tác với Nhật Bản nói chung và hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực tăng trưởng xanh nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, năm 2021, Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết hợp tác về tăng trưởng carbon thấp giai đoạn 2021 - 2030. Nhật Bản đã và đang tiến hành hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam thông qua “Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI)”.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực hiện, hay Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) đang trong quá trình đàm phán. Cả CPTPP và IPEF cùng có những nội dung hợp tác liên quan đến tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Nhật Bản và Việt Nam có thể cân nhắc một số định hướng thúc đẩy hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh. Thứ nhất, nâng cao năng lực thể chế, quy định, chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh. Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam. Thứ ba, hợp tác thúc đẩy chuỗi giá trị ít carbon/ ít phát thải. Thứ tư, hợp tác, thúc đẩy xây dựng các điều ước quốc tế, quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh.
“Các bên liên quan của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong đợi cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ từ các đối tác Nhật Bản, nhưng cần tiếp tục cải thiện chất lượng kết nối dịch vụ từ trong nước và kỹ năng lao động”, ông Dương nhấn mạnh.