Thông tư 68 của Bộ Tài chính ban hành ngày 11-11-2022 hiện đang áp dụng được cho là lại gây thêm khó khăn cho bệnh viện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội cho biết bệnh viện có duy nhất một máy X-quang vú, sử dụng chụp chiếu chẩn đoán ung thư vú, tuy nhiên máy này đã hư một bóng đèn từ khoảng ba tuần nay.
Theo quy định trong thông tư 68, giá thị trường làm cơ sở mua sắm phải "được tham khảo từ ít nhất ba báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất", nhưng cái khó theo bệnh viện này đây là máy đặc chủng, không có nhà cung cấp thứ hai nào có bóng đèn cung cấp ngoài nhà sản xuất, vì vậy đến nay bệnh viện chưa tìm ra biện pháp "gỡ" để mua chiếc bóng đèn. Vì chưa có bóng đèn, máy chưa hoạt động, bệnh nhân đương nhiên phải chờ.
Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt vào loại lớn nhất nước, cũng đang gặp khó khăn này.
Theo ông Đào Xuân Cơ, giám đốc bệnh viện, ba năm vừa qua do nhiều thiết bị y tế diện xã hội hóa, liên doanh liên kết bị vướng về pháp lý, Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu của bệnh viện gần như "trắng" về thiết bị, các máy móc như máy xạ phẫu, máy chụp cắt lớp, máy chụp PET... đều phải trùm mền.
Gần đây bệnh viện có dự định mua một số thiết bị cho trung tâm, nhưng lại vướng ở chỗ loại thiết bị bệnh viện dự định mua chỉ có hai đại diện ở Việt Nam và có thể có hai báo giá, chưa tìm được cái thứ ba để tiến hành mua sắm đúng quy định hiện hành.
Những rắc rối chưa tìm thấy lối ra về thủ tục đang khiến các bệnh viện đứng ngồi không yên, vì nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị nói chung.
Trong lần tổ chức đấu thầu gần nhất, khoảng 1/3 số mặt hàng mà Bạch Mai mời thầu, bao gồm các chủng loại: vật tư tiêu hao, máy móc, thiết bị, thuốc... không có nhà thầu gửi báo giá. Số có đủ ba báo giá chỉ chiếm 30%.
Ngay từ khâu báo giá, khâu đầu tiên để có thể tiến hành mua sắm vật tư, thiết bị cho bệnh viện, đã có vướng mắc.
Việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế cho bệnh viện đã khó khăn từ đầu 2022, cao điểm vào giữa năm, đến tháng 8-2022 Thủ tướng và lãnh đạo nhiều bộ ngành đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế để gỡ rối, nhưng cho đến nay gỡ chưa được nhiều, thậm chí lại có thêm những quy định như thông tư 68 kể trên đang được cho là "làm khó" thêm cho bệnh viện.
Khác với các lĩnh vực khác hàng hóa tương đối phong phú, vật tư - thiết bị y tế có những đặc thù: có loại "máy đóng", vật tư đi kèm thiết bị, không dễ có "ba báo giá". Có loại máy móc chỉ có một hoặc hai đại diện/nhà cung cấp, việc tìm ba báo giá cũng khó khăn.
Trong lúc đó, số lượt khám, chữa bệnh năm 2022 đã vượt con số 2019 là năm trước dịch COVID-19, năm 2023 này dự kiến sẽ tăng tiếp. Bệnh nhân đông sẽ tiếp tục tạo áp lực cho kho dự trữ vật tư, thuốc và thiết bị của bệnh viện.
Một chuyên gia ngành y tế cho rằng trong tình huống đặc thù của y tế, nên chăng Nhà nước sẽ quản lý giá thiết bị y tế như quản lý giá thuốc hiện nay.
Nếu Nhà nước quản lý, sẽ có biện pháp chung là từ giá nhập khẩu đến bán buôn - bán lẻ chỉ được có khoảng lãi trần đã được tính toán, bao gồm cả chi phí bảo hành bảo trì, tập huấn sử dụng thiết bị, lợi nhuận của đơn vị cung cấp...
Qua đó cũng sẽ triệt tiêu được tình trạng lòng vòng mua bán để đẩy giá, vì mua bán qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, lợi nhuận chỉ được cố định trong khoảng dưới trần mà thôi.
Tại cuộc họp báo công bố Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hôm 3-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thông tư về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu dự kiến được ban hành trong quý 1 hoặc quý 2, giao bệnh viện tự quyết định giá.
Xem thêm: mth.42132042251203202-ohk-hnid-yuq-meht-et-y-ib-teiht-ut-tav-mas-aum/nv.ertiout