Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện về văn bằng đã cấp cho người học và công khai định kỳ trên trang thông tin điện tử của nhà trường.
Khó kiểm tra văn bằng
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) xác nhận ông Nguyễn Trường Hải - người từng là giảng viên, thậm chí giữ chức trưởng, phó khoa ở các trường đại học, cao đẳng - sử dụng bằng tiến sĩ giả, chưa từng học bất kỳ bậc học nào tại trường này.
Vụ việc trên cho thấy bên cạnh quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự của một số trường có vấn đề, còn do lỗ hổng tra cứu văn bằng.
Theo quy định, các cơ sở giáo dục phải tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát. Theo đó, mọi người có dữ liệu như tên người được cấp bằng, số hiệu văn bằng, ngày tháng năm sinh, cơ sở đào tạo... là có thể tra cứu nhưng các đơn vị tuyển dụng cho hay việc xác minh văn bằng không hề đơn giản.
Trên thực tế tra cứu văn bằng mỗi trường đang làm một kiểu, dữ liệu không đầy đủ và quy trình xác minh truyền thống tốn nhiều thời gian.
Chẳng hạn website Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện cho phép tra cứu văn bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng dữ liệu chỉ cập nhật cho cao đẳng chính quy, từ xa, vừa làm vừa học (từ năm tốt nghiệp 2014 trở về sau), đại học chính quy (từ năm tốt nghiệp 2004 trở về sau).
Ông Trần Ngọc Phú, giám đốc Công ty PVAcons, cho rằng chuyện bằng cấp giả khó kiểm tra vì sự kín thông tin của các trường.
"Tại sao các trường đại học, cao đẳng không công khai, cập nhật đầy đủ kết quả đào tạo hằng năm của mình?
Việc đơn giản là các trường công khai danh sách, thông tin các loại bằng cấp trên website trường để tất cả mọi người đều có thể tự tra cứu khi cần, doanh nghiệp tư nhân cũng cần kiểm tra hồ sơ xin việc. Trong khi hiện nay không ít trường hợp hồ sơ văn bằng chứng chỉ chưa được số hóa, mất nhiều thời gian, công sức để xác minh" - ông Phú cho biết.
Chính vì việc tra cứu thông tin văn bằng trên mạng không thực hiện được, thực tế nhiều người muốn thẩm định văn bằng phải chọn theo cách truyền thống là gửi văn bản xác nhận của nơi cấp bằng.
"Nhưng cách làm này còn nhiều bất cập do hệ thống thông tin bằng cấp không minh bạch và thủ tục thẩm tra phức tạp. Nếu chỉ gửi văn bản hay email rồi ngồi đợi thì chưa chắc đơn vị tuyển dụng nhận được phản hồi, nếu có thì cũng rất lâu" - ông Thái Phương Triều, giám đốc Công ty Talent, cho hay.
Cần có phần mềm tiện ích để quản lý, công khai văn bằng
Ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay theo quy định, việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của đơn vị cấp văn bằng và đơn vị sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
Các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng chịu trách nhiệm toàn diện về văn bằng đã cấp cho người học và công khai định kỳ trên trang thông tin điện tử của nhà trường, đây là yêu cầu bắt buộc sau thông tư và cũng thể hiện trách nhiệm của cơ sở đào tạo với xã hội về bằng cấp đã cấp cho người học.
"Các trường cần có phần mềm tiện ích để quản lý và công khai tất cả văn bằng, chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát nhưng vẫn bảo đảm được tính bảo mật thông tin của người học, việc này hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đã làm tốt. Điều này đã có trong thông tư về quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ.
Sắp tới Cục Quản lý chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục khi đã được giao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về phôi bằng và văn bằng", ông Chương nói.
Cũng theo ông Chương, Cục Quản lý chất lượng đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Hệ thống tra cứu văn bằng của cục hiện đang thử nghiệm và chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho người dân và các cơ quan, đơn vị.
Do vậy các cơ sở giáo dục lưu ý là Bộ GD-ĐT không làm thay việc của các đơn vị cấp văn bằng chứng chỉ, nhưng hướng đến đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu các cấp theo xu hướng chuyển đổi số.
"Với sự phát triển công nghệ thông tin hiện nay, các đơn vị không mất quá nhiều thời gian để xác minh, xác thực một văn bằng, chứng chỉ được cấp trong nước.
Các văn bằng, chứng chỉ được cấp ở nước ngoài, nếu cơ quan sử dụng lao động, bổ nhiệm hoặc cá nhân người học đã tốt nghiệp có nhu cầu thì liên hệ Trung tâm công nhận văn bằng (Cục Quản lý chất lượng) để được hỗ trợ theo dịch vụ công và đã được công khai quy trình trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý chất lượng vqa.moet.gov.vn" - ông Chương nói.
Xác minh có nhiều trường hợp dùng bằng giả
Ông Phùng Quán, trưởng phòng tổ chức - hành chính Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trường thường xuyên nhận được yêu cầu xác minh văn bằng tốt nghiệp người học từ các đơn vị sử dụng lao động bên ngoài. Kết quả xác minh cho thấy có không ít trường hợp sử dụng bằng giả.
"Để hỗ trợ các đơn vị trong xác thực văn bằng người học, trường có nhiều cách. Ngoài việc phản hồi bằng văn bản với các đơn vị có văn bản yêu cầu xác minh, trên website của trường có công cụ tra cứu thông tin văn bằng với người từng học tại trường. Chỉ cần có số hiệu trên văn bằng là đều tra ra được" - ông Quán nói.
Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) xác nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ của Nguyễn Trường Hải đang sử dụng đều là bằng giả. Trường đã xác minh và báo với công an người này chưa từng là học viên của trường.