Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên chủ động nói về vụ khinh khí cầu Trung Quốc. Ông cho biết sẽ trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Không xin lỗi Trung Quốc
Hôm 16-2 (giờ Mỹ), ông Biden đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với NBC News. Đây là đài được tổng thống Mỹ chọn làm kênh phát ngôn về vụ khinh khí cầu Trung Quốc. Trước đó, ông gặp áp lực phải chính thức ra phát ngôn về vụ việc này.
Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định sẽ liên lạc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo ông Biden, cả hai nước đều không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên, ông bảo vệ quyết định bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc.
"Tôi dự kiến sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ giải quyết chuyện này tới cùng. Nhưng tôi sẽ không xin lỗi về việc bắn hạ chiếc khinh khí cầu ấy", Tổng thống Biden nói với NBC.
* Mỹ chịu áp lực hai phía vì vụ khinh khí cầu Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với NBC News, Tổng thống Biden tự tin về việc có thể đối thoại với Trung Quốc xung quanh vụ khinh khí cầu. Ông nói thêm: "Tôi cho rằng điều sau cùng ông Tập muốn là xé nát mối quan hệ với Mỹ và với tôi".
Phát biểu của ông Biden đúng với kỳ vọng của giới quan sát trước đó. Ông đã chịu áp lực trong nước về vụ khinh khí cầu. Nhiều nghị sĩ Mỹ liên tục khẳng định dân Mỹ cần được biết nhiều hơn.
Khinh khí cầu trên là một trong số ít nhất 4 "vật thể lạ" xâm nhập nước Mỹ gần đây. Mỹ đã bắn hạ thêm 3 vật thể khác từ sau khinh khí cầu Trung Quốc. Mối lo an ninh và nguy cơ bị do thám đã phủ bóng dư luận Mỹ vài ngày qua.
"Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác 3 vật thể này là gì, nhưng hiện nay chưa có gì cho thấy chúng liên quan tới chương trình do thám bằng khinh khí cầu của Trung Quốc, cũng chưa thấy đó là phương tiện do thám từ bất kỳ quốc gia nào", ông nói.
Trong ngày 16-2, Trung Quốc một lần nữa chỉ trích Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho rằng khinh khí cầu bị bắn rơi là vật thể dùng cho mục đích dân sự, và rằng việc "đi lạc" vào đất Mỹ chỉ là tai nạn.
Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ "thao túng chính trị" trong vụ việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn bân kêu gọi Mỹ không "leo thang tình hình".
* EU bỏ kế hoạch trừng phạt lĩnh vực hạt nhân Nga. Ủy ban châu Âu đã từ bỏ kế hoạch trừng phạt các đại diện và lĩnh vực hạt nhân Nga trong gói trừng phạt mới, tờ Politico dẫn lời ba nguồn tin ngoại giao nói hôm 16-2.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục ra lệnh trừng phạt đối với Công ty năng lượng hạt nhân Nga Rosatom. Ban đầu, EU dự tính áp trừng phạt lên lĩnh vực hạt nhân Nga. Nhưng kế hoạch ấy sau cùng đã thất bại. "Thật không may, lĩnh vực hạt nhân không được nhắc tới trong dự thảo", một nguồn tin nói với Politico.
* Nhật Bản mời Ukraine tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7. Hôm 16-2, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi thông báo sẽ mời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), theo Hãng thông tấn Kyodo. Hội nghị này dự kiến diễn ra tại Munich (Đức) vào ngày 18-2 tới. Đây là hội nghị đầu tiên dưới vai trò chủ tịch luân phiên G7 của Nhật Bản trong năm nay. Sự kiện này sẽ diễn ra bên lề Hội nghị An ninh Munich trong 3 ngày (17 tới 19-2).
Với vai trò là chủ tịch G7, Nhật Bản cũng đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 theo hình thức trực tuyến vào ngày 24-2.
Các biện pháp hỗ trợ Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga được cho là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo G7.
Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự trực tuyến hội nghị này theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
* Quốc hội Moldova phê chuẩn chính phủ mới. Ngày 16-2, Quốc hội Moldova đã phê chuẩn cựu Bộ trưởng Nội vụ Dorin Recean làm thủ tướng mới của nước này, với 62 phiếu thuận trên tổng số 101 ghế tại cơ quan lập pháp này.
Trước đó, ông Dorin Recean đã đứng ra thành lập chính phủ lâm thời, đồng thời cam kết phục hồi nền kinh tế của Moldova và vạch rõ lộ trình đưa Moldova trở thành thành viên của EU. Ông Recean cho biết ông có kế hoạch tiếp tục theo đuổi tư cách thành viên EU cho Moldova. Các ưu tiên trong chính phủ mới ông sẽ tập trung vào những khía cạnh trật tự, kỷ luật, hòa bình, ổn định và thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế.
Hôm 10-2, Thủ tướng Natalia Gavrilita thông báo từ chức sau 18 tháng cầm quyền đầy sóng gió, với bất ổn kinh tế và tác động từ chiến sự ở Ukraine. Chính phủ Moldova cũng sụp đổ sau thông báo từ chức của bà Gavrilita.
Đất nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với 2,5 triệu dân này đã phải chịu lạm phát tăng vọt và căng thẳng do dòng người tị nạn Ukraine. Moldova cũng chịu cảnh bị cắt điện sau khi hạ tầng năng lượng Ukraine bị phá hủy và phải chật vật để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Vào năm ngoái, các lãnh đạo EU đã chấp nhận Moldova làm ứng cử viên gia nhập liên minh này.
Lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi chiến thắng COVID-19
Tại cuộc họp mới đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các lãnh đạo đã ca ngợi chiến thắng COVID-19. "Trung Quốc đã có một chiến thắng lớn và quyết định trong cuộc chiến với COVID-19, tạo ra một phép màu trong lịch sử văn minh nhân loại cho đất nước, khi một số lượng lớn dân số đã chiến thắng đại dịch", China Daily mô tả về nội dung cuộc họp.
Sau giai đoạn sử dụng chính sách "Zero-COVID", Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Các lãnh đạo Trung Quốc khẳng định đây là quyết định hợp lý theo thực tiễn. Trung Quốc đã đạt số lượng phủ vắc xin cần thiết. Việc đóng - mở đều nhằm ưu tiên mạng sống người dân.
* EU bỏ quy định COVID-19 với người từ Trung Quốc. Hôm 16-2, các nước EU đã nhất trí bỏ các hạn chế đối với du khách đi từ Trung Quốc. Trước đó, nhiều nước châu Âu đã áp đặt biện pháp trên sau thời điểm Trung Quốc mở cửa và bùng phát dịch.
Theo các chuyên gia từ 27 nước thành viên EU, họ sẽ chấm dứt yêu cầu xét nghiệm âm tính COVID-19 của du khách từ Trung Quốc vào cuối tháng 2 này.
Họ cũng sẽ bỏ việc xét nghiệm ngẫu nhiên với người từ Trung Quốc vào giữa tháng 3. Động thái trên cũng nhận sự nhất trí từ các nước không thuộc EU trong khối Schengen. Trong số này có Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
* Ý kêu gọi Trung Quốc gây áp lực lên Nga về tình hình Ukraine. Hôm 16-2, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani đã có trao đổi với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi ông Vương thăm Rome. Ông Tajani kêu gọi Trung Quốc gây áp lực lên Nga nhằm tìm kiếm hòa bình tại Ukraine. “Trung Quốc phải thể hiện vai trò cơ bản trong việc thúc đẩy hướng tới hòa bình. Tôi chắc chắn Bắc Kinh sẵn sàng cam kết cho hướng đi này”, ông Tajani nói với ông Vương.
Ông Vương đang có chuyến công du tại châu Âu. Hôm 15-2, ngoại trưởng Trung Quốc đã tới Pháp, và nhất trí với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc đóng góp hướng tới hòa bình cho Ukraine, theo văn phòng của ông Macron.
Nắng sớm
Washington bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh rằng Mỹ đã hơn 10 lần đưa khinh khí cầu bay trái phép trên không phận Trung Quốc trong một năm qua. Căng thẳng giữa hai nước về vấn đề do thám đang leo thang.