Hà Nội đứng vị trí 66 và TP.HCM xếp 67 trên tổng số 69 thành phố du lịch về chất lượng nhà vệ sinh công cộng. Trong khi đó, các thành phố trong khu vực Đông Nam Á có thứ hạng tốt hơn rất nhiều, như Kuala Lumpur (Malaysia) xếp thứ 42, Bangkok (Thái Lan) ở vị trí thứ 45.
Thật đáng buồn nhưng kết quả này đang phản ánh đúng với thực tế nhà vệ sinh công cộng tại các thành phố lớn ở nước ta hiện nay. Hiện chỉ có 400 nhà vệ sinh công cộng cho hơn 8 triệu người ở Hà Nội, và hơn 200 nhà vệ sinh công cộng cho hơn 10 triệu người ở TP. HCM. Quá ít nhà vệ sinh cho quá đông dân số và du khách. Sự quá tải tạo nên những tình cảnh "khó thở" như bây giờ.
Nhiều nhà vệ sinh công cộng xuống cấp nham nhở, mất vệ sinh, rò rỉ nước, cửa bị bung khóa. Tuy nhiên, có nhà vệ sinh đã là may mắn. Ở nhiều nơi, người đi dạo, đi thể dục không thể tìm thấy nhà vệ sinh công cộng nào. Điển hình trên công viên ở bờ kênh Nhiêu Lộc, phải đi bộ rất lâu mới có một nhà vệ sinh. Nhiều người dân không "nhịn" nổi đã... đi luôn ngoài bờ kè.
Chất lượng của "căn phòng nhỏ" này trong các cơ quan, khu vui chơi, mua sắm, nhà hàng, bến xe... cũng đáng suy nghĩ. Ngay cả một số cao ốc ở trung tâm thành phố phục vụ hàng ngàn lượt người mua sắm, ăn uống nhưng chỉ có ba buồng vệ sinh chật hẹp, luôn có mùi khó chịu.
Hà cũng như mọi người vẫn thường nghe nhiều lời phàn nàn về một nỗi sợ mang tên "nhà vệ sinh công cộng"
Hà cũng như mọi người vẫn thường nghe nhiều lời phàn nàn về một nỗi sợ mang tên "nhà vệ sinh công cộng". Rằng trẻ con "nhịn" không dám đi vệ sinh ở trường, người lớn ngại vào nhà vệ sinh ở cơ quan, khách đi tàu không dám vào nhà vệ sinh trên tàu, người đi đường có nhu cầu cần giải quyết cũng không thể dùng các nhà vệ sinh dọc các con đường trong thành phố vì không có chỗ để xe thuận tiện hoặc không người trông coi.
Mặc dù xuất phát từ một nhu cầu rất cá nhân nhưng vấn đề này lại liên quan rất mật thiết các vấn đề xã hội. Nó phản ánh tính nhân văn "lấy con người làm trung tâm" trong việc phát triển đô thị. Nó cũng là một thước đo thể hiện trình độ văn hóa và chất lượng cuộc sống của một cộng đồng.
Singapore là một đất nước rất điển hình để về việc coi trọng chất lượng của nhà vệ sinh công cộng và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của công dân.
Người Singapore mở lớp giáo dục vệ sinh cho học sinh tiểu học từ rất sớm, thậm chí đưa vấn đề nhà vệ sinh công cộng vào luật và có chế tài rõ ràng với các hành vi kém văn minh. Ngay từ năm 1989 luật nước này đã quy định người sử dụng nhà vệ sinh công cộng không chịu dội nước có thể bị phạt đến 150 đô la Singapore (khoảng 2,6 triệu đồng).
Từ năm 1996, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong lúc bấy giờ đã tuyên bố: Tình trạng nhà vệ sinh công cộng của đất nước là thước đo văn hóa của người dân.
Năm 2001, nhằm khuyến khích mọi người giữ gìn nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, Singapore đã phát động chương trình xếp hạng sao cho nhà vệ sinh công cộng tương tự như xếp hạng sao khách sạn.
Hằng năm, Singapore cũng tổ chức trao giải thưởng cho người quét dọn nhà vệ sinh xuất sắc nhất. Đích thân thủ tướng sẽ trao giải thưởng này, như vinh danh đóng góp quan trọng cho xã hội.
Ở thời điểm hiện tại, tuy chúng ta chưa thể học hỏi nguyên xi cách làm của người Singapore, nhưng cũng cần phải sớm tính đến giải pháp để cải thiện chất lượng của hệ thống nhà vệ sinh công cộng, gia tăng thật nhiều nhà vệ sinh ở những không gian công cộng nhiều người qua lại.
Người dân cũng cần được giáo dục về thói quen sử dụng nhà vệ sinh công cộng và trách nhiệm gìn giữ vệ sinh trong không gian công cộng, biết ý thức dội nước, không phá hoại thiết bị trong nhà vệ sinh, biết tự giác tôn trọng không gian này.
Hà tin rằng, để đạt được điều này là một hành trình dài cần cả xã hội chung tay góp sức. Nhưng vì việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý và cảm xúc của mỗi cá nhân; nên một khi có được những trải nghiệm tốt hơn cho nhu cầu tế nhị này, bản thân mỗi người sẽ cảm thấy hài lòng hơn, có ý thức hơn và từ đó chất lượng cuộc sống cũng ngày một tốt dần lên.