Đây là Sách trắng thứ 14 được EuroCham công bố kể từ năm 2007, được xem như một bản kiến nghị của doanh nghiệp châu Âu đến Chính phủ.
Sách trắng năm nay tổng hợp các đóng góp từ 18 Tiểu ban ngành nghề của EuroCham, trong đó có Tiểu ban Du lịch và nhà hàng khách sạn.
'Nên mở rộng danh sách miễn visa cho toàn bộ EU'
Chia sẻ tại buổi công bố ngày 16-2, đại diện tiểu ban này bày tỏ mong muốn những góp ý trong Sách trắng sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam khởi sắc.
"Dù đã thành công trong việc thu hút du khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, ngành du lịch có thể bị phụ thuộc vào các thị trường này.
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên tập trung hơn nữa vào thị trường châu Âu để giảm bớt căng thẳng và nguồn lực bằng cách sớm cho phép miễn thị thực (visa) cho tất cả các nước châu Âu", phía EuroCham nêu vấn đề.
EuroCham cho biết trước đó đã có thông tin đến Chính phủ rằng hành vi du lịch của du khách đã thay đổi do đại dịch. Họ đi du lịch ít hơn nhưng dành thời gian lâu hơn ở một điểm đến.
Việt Nam tăng thời hạn miễn visa cho khách du lịch nước ngoài từ 15 lên 30 ngày là một bước đi tích cực. Song theo EuroCham, vẫn còn nhiều cách để tăng thêm sự hấp dẫn với du khách.
"Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét cấp miễn visa ba tháng hoặc sáu tháng cho những người châu Âu thượng lưu muốn có kỳ nghỉ dài ngày tại Việt Nam", EuroCham đề xuất.
Việt Nam cũng nên mở rộng danh sách miễn visa cho tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu và xem xét miễn visa ngắn hạn cho một số trường hợp nhất định, chẳng hạn đến triển lãm, diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại.
Tại châu Âu, EuroCham đề xuất Việt Nam nên có chiến lược truyền thông liên tục để quảng bá đất nước. Tổng cục Du lịch Việt Nam nên mở các văn phòng tại châu Âu để làm đầu mối cho các bên trong và ngoài nước, vừa thúc đẩy vừa quảng bá hình ảnh đất nước.
Giảm rào cản visa để tăng FDI
Cũng liên quan đến vấn đề visa, EuroCham đề nghị nên giảm rào cản visa cho chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam.
Trong số 1.300 doanh nghiệp EuroCham đã khảo sát hàng quý kể từ năm 2010, trong quý 4-2022, có 47% doanh nghiệp cho biết Việt Nam có thể nhận thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu giảm rào cản visa chuyên gia.
Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm trở ngại về thủ tục hành chính (chiếm 70%), kế đến là cải thiện cơ sở hạ tầng (53%). Vấn đề visa cho chuyên gia xếp thứ ba, xếp trên mong muốn cải thiện đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ.
"Nếu quy trình được đơn giản hóa và minh bạch hơn, các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn hơn rất nhiều", Phó chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet chia sẻ.
Ngoài các vấn đề trên, Sách trắng cũng nêu ra các thách thức và đề xuất giải pháp cho các chủ đề quan trọng khác như y tế, kinh tế xanh và phát triển bền vững, đổi mới và đầu tư.
Chẳng hạn, EuroCham đề nghị nên tập trung vào điện gió ngoài khơi, tăng xử lý chất thải nhựa, xây dựng nhiều hơn các tòa nhà xanh sử dụng năng lượng hiệu quả...
Theo EuroCham, nếu các thách thức trên cùng được giải quyết, toàn bộ lợi ích tiềm năng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được hiện thực hóa.
"Chúng tôi sẽ tích cực lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất với Chính phủ xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam tương thích với các cam kết của EVFTA và triển khai thực hiện thỏa thuận này thành công và hiệu quả hơn", Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh chia sẻ tại sự kiện.
TTO - Theo ông Alain Candy, chủ tịch EuroCham, mở cửa du lịch quốc tế 'là tin tức tốt lành nhất trong 2 năm qua' tại buổi ký kết hợp tác hỗ trợ, thu hút thêm du khách quốc tế đến TP.HCM giữa đơn vị này với Sở Du lịch TP.HCM.
Xem thêm: mth.83993046161203202-ual-o-ua-uahc-uaig-hcahk-ohc-asiv-neim-nen-man-teiv-mahcorue/nv.ertiout