Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Thái Học - quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - nhấn mạnh: "Chúng tôi lắng nghe, cầu thị và trân trọng, mong các nhà báo nói thẳng không để bụng. Tất cả vì sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng".
Phát huy 3 vai trò của báo chí để địa phương phát triển
Các phóng viên thường trú tại tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế của tỉnh Lâm Đồng thời gian qua về cung cấp thông tin cho báo chí. Chính điều đó có lúc đã tạo ra sự "đứt gãy" trong thông tin từ tỉnh đến nhân dân, xã hội.
Ông Lê Hải Thành - phó tổng biên tập báo Thanh Niên - nói báo cáo của tỉnh đã cho thấy có sự "đứt gãy" trong việc trao đổi, cung cấp thông tin từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành với báo chí, do đó, cần sớm có sự nối liền vì sự phát triển chung.
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đề xuất địa phương nên phát huy tốt cả 3 vai trò của báo chí, của nhà báo, đó là: tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến xã hội; là "đại sứ" của cộng đồng dân cư; là chuyên gia với những bài bình luận, phân tích, nêu giải pháp, trong đó có cả phản biện, nghĩa là báo chí góp phần xây dựng chính sách.
"Địa phương phát huy cả 3 vai trò đó của báo chí, của nhà báo thì chắc chắn là nhận lại được sự đồng hành cho phát triển. Đó là sự phát triển mang tính cộng sinh tích cực" - ông Trung đề nghị.
Đồng hành trên tinh thần xây dựng, phát triển
Trên tinh thần cầu thị, ông Võ Ngọc Hiệp - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - thừa nhận thời gian qua việc cung cấp thông tin, trao đổi các vấn đề báo chí quan tâm của cơ quan chính quyền ở Lâm Đồng "còn e dè". Thời gian tới, chính quyền cam kết cung cấp thông tin minh bạch, nhanh nhạy, kịp thời cả cái tích cực cũng như tiêu cực.
Ông Trần Đình Văn - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng - trao đổi rằng thời gian qua báo chí đã có những đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
"Thời gian tới đây, tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều dự án, do đó sẽ đón nhận nhiều luồng ý kiến dư luận. Việc cung cấp thông tin đầy đủ trên các kênh báo chí sẽ giúp thúc đẩy các dự án phát triển nhanh hơn, có được sự ủng hộ, đồng thuận của đông đảo nhân dân” - ông Văn phát biểu.
Ông Nguyễn Thái Học nói rằng Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng chọn ngày 3-4, đúng kỷ niệm 49 năm giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng, để lắng nghe lực lượng báo chí trao đổi, hiến kế để Lâm Đồng phát triển thể hiện sự cầu thị, chân thành và trân trọng lực lượng báo chí đối với sự phát triển của tỉnh.
Theo ông, báo chí cung cấp thông tin thực tiễn cuộc sống nhanh nhạy để lãnh đạo địa phương nắm bắt được, từ đó đưa ra những chỉ đạo sát đúng thực tiễn; nhà lãnh đạo muốn truyền đạt ý kiến lãnh đạo, điều hành thì nhờ kênh báo chí là chính thống, chính xác, nhanh nhạy.
Sự phát triển của Lâm Đồng thời gian qua có sự đóng góp đáng kể của báo chí. Trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ rà soát để thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cho báo chí; các cơ quan báo chí cũng đồng hành với tinh thần xây dựng, phản ánh đúng sự thật, vì sự phát triển chung của địa phương.
E ngại cung cấp thông tin không có lợi cho phát triển
Ông Lê Quốc Minh - tổng biên tập báo Nhân Dân, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - trao đổi: Cách tiếp cận báo chí cần phải thay đổi. Báo chí cần được cung cấp thông tin minh bạch, chính xác. Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, thì báo chí còn phải phản biện chính sách hiệu quả.
Theo ông, thái độ e ngại cung cấp thông tin cho báo chí không có lợi cho sự phát triển của địa phương. "Những vấn đề gì xã hội quan tâm thì chính quyền càn chủ động cung cấp cho báo chí để truyền thông đến nhân dân, đến xã hội càng sớm, càng đúng, càng minh bạch thì càng lan tỏa tốt" - ông Minh nhấn mạnh.
Báo Tuổi Trẻ cùng UBND TP Đà Lạt đã trao giải cho các tác giả trong cuộc thi Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững.