"Việt Nam đang cần nhiều công nghệ và đầu tư từ nước ngoài để hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của mình. Canada sẽ là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đó", Đại sứ Shawn Steil khẳng định trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 16-2.
Sự kiện nhằm nói về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Canada vừa công bố năm ngoái. Trong khuôn khổ sự kiện, Đại sứ Steil cũng nói về vai trò của Việt Nam trong chiến lược này và quan hệ hai nước.
Ông khẳng định Việt Nam có vai trò trong chiến lược của Canada, xuất hiện trong gần như tất cả các mục tiêu mà Ottawa đặt ra trong chiến lược này.
Chẳng hạn trong mục tiêu thúc đẩy hòa bình và an ninh, Việt Nam đang tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Trong lĩnh vực này, Canada đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo các sĩ quan.
Về phát triển bền vững và xây dựng một tương lai xanh, ông Steil mô tả "Việt Nam là một mảnh ghép lớn cho tương lai bền vững cho khu vực Thái Bình Dương".
"Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Canada có lịch sử lâu dài hỗ trợ Việt Nam phát triển và phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch", đại sứ Canada khẳng định.
Để giảm sự phụ thuộc vào than đá, Việt Nam cần công nghệ và đầu tư từ nước ngoài. Ông Steil nhấn mạnh Canada đang trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực này.
Canada là một trong những nước tham gia tuyên bố chính trị về Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cho Việt Nam hồi tháng 12-2022.
Chương trình ban đầu sẽ huy động khoảng 15,5 tỉ USD từ khu vực công và tư nhân trong vòng ba hoặc năm năm tới nhằm hỗ trợ một số mục tiêu tham vọng mới của Việt Nam.
Chẳng hạn giảm công suất điện than từ 37 GW như kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra vào năm 2030.
Khi được hỏi về đất hiếm và khai thác bền vững, Đại sứ Steil cho biết Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn. Đây là một trong những thành phần quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là làm thế nào để khai thác bền vững nguồn tài nguyên này, hạn chế các tác động đến môi trường.
"Những kinh nghiệm và chuyên môn của chúng tôi trong việc khai thác đất hiếm hoàn toàn có thể được áp dụng tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang đầu tư vào việc xử lý đất hiếm nữa. Hiện tỉnh bang Saskatchewan đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để thảo luận không chỉ cách khai thác đất hiếm mà còn cả chuyển giao công nghệ nữa", ông Steil chia sẻ.
TTO - Sẽ có 14.120MW nhiệt điện than được đề xuất không đưa vào Quy hoạch điện 8, nhưng Bộ Công thương tiếp tục kiến nghị cho đầu tư 2.428,42MW điện mặt trời với tổng chi phí là 12.700 tỉ đồng cùng các dự án điện khí.
Xem thêm: mth.15763008161203202-naht-neid-couht-uhp-maig-man-teiv-ort-oh-es-adanac/nv.ertiout