Điểm trừ làm bất tiện cả thành phố
Có lẽ, ai trong chúng ta sống tại thành phố cũng từng nghe đến câu chuyện nhiều khu vực công cộng, các bức tường được "trưng dụng" làm nơi tiểu tiện, phóng uế khiến môi trường sống, bộ mặt thành phố ít nhiều xấu đi.
Trong đó, nguyên nhân một phần đến từ việc thiếu nhà vệ sinh công cộng cũng như một số nhà vệ sinh công cộng không đủ chuẩn khiến nhiều người ngại sử dụng.
Nhà vệ sinh công cộng tuy chỉ là một công trình phụ nhưng theo Hà, đó là công trình không thể thiếu của một thành phố văn minh; trước hết là để đáp ứng nhu cầu cá nhân, cơ bản của người dân thành phố, sau là để giúp du khách có được trải nghiệm tốt khi đến đây du lịch.
Đã đến lúc nhà vệ sinh rời khỏi góc khuất của thân phận "công trình phụ", để trở thành nét tự hào đô thị sạch sẽ, văn minh.
Tôi đã đi qua một số thành phố ở Đông Nam Á, như Bangkok (Thái Lan), Singapore. Ở Bangkok hay Chiangmai (Thái Lan), các địa điểm du lịch không quá phát triển xa so với Việt Nam, nhà vệ sinh ở mọi nơi đều được chăm sóc và giữ gìn.
Tại các thương xá lớn ở Bangkok ngay sát ga tàu điện trên cao, mỗi khu vực nhà vệ sinh có tới 10 - 20 phòng, đáp ứng lưu lượng khách cực lớn, vừa là dân địa phương đi tàu điện, vừa dành cho du khách nước ngoài sử dụng khi ăn uống, mua sắm.
Trong khi đó, chỉ một so sánh nhỏ tại MPlaza ở Q.1 (TPHCM), cả tầng trệt với nhiều nhà hàng và khối văn phòng, chỉ có vài buồng vệ sinh với lưu lượng khách quá lớn. Khách sử dụng dịch vụ ở tầng trệt thường xuyên phải xếp hàng chờ đợi.
Với những du khách nước ngoài khi đi dạo ngoài công viên 30.4, ngắm nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện TP.HCM, chuyện tìm ra nhà vệ sinh cũng trở thành một "bài toán".
Nhà vệ sinh nằm trong bưu điện và "ẩn nấp" ở chỗ ít ai thấy bên cạnh đường sách. Thử tưởng tượng nếu bạn không thể nói tiếng Việt, chưa một lần đến TP.HCM, cuộc chạy đua tìm nhà vệ sinh sẽ thêm bao nhiêu phần vất vả.
Xây nhà vệ sinh công cộng, nâng tầm du lịch
Mỗi khi có dịp đến Singapore du lịch, tôi luôn thấy thú vị về cách nhà vệ sinh công cộng có mặt. Hầu hết các cao ốc, tòa nhà lớn đều có cổng vào đi thẳng đến khu vực nhà vệ sinh cho người dân, dù họ không phải cư dân hay khách sử dụng dịch vụ của tòa nhà.
Nhiều khách sạn 5 sao cũng có cửa vào thân thiện có biển chỉ dẫn rõ để du khách sử dụng. Thậm chí, có nơi, nhà vệ sinh được xây dựng theo "chuẩn eco", có cả hệ thống xử lý thải, biến thành phân bón làm đẹp cảnh quan xanh xung quanh.
Người đi du lịch nơi đây có thể yên tâm khám phá thành phố, không lo sợ sẽ phải "ôm bụng" hoảng sợ vì không tìm ra nhà vệ sinh khi cần đến.
Vậy mới thấy, mạng lưới nhà vệ sinh công cộng đầy đủ, hợp lý sẽ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, và giúp du khách trải nghiệm thành phố trọn vẹn hơn.
Du lịch Việt Nam đang khởi sắc sau thời gian đối mặt với đại dịch Covid-19. TP.HCM cũng dần thu hút khách du lịch trở lại.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong dịp Tết Quý Mão 2023, khách quốc tế đến TP.HCM đạt khoảng 65.000 lượt. Giờ đây, có hệ thống nhà vệ sinh công cộng tốt hơn, thiện cảm của du khách quốc tế sẽ tốt, và Việt Nam sẽ trở thành điểm đến được yêu mến nhiều hơn trong khu vực.
Trước đây, người Việt vẫn gọi nhà vệ sinh là "công trình phụ". Tên gọi cho thấy sự không quan trọng. Nhà vệ sinh bị đặt vào góc hẹp, diện tích bé, ít được chăm sóc, hoặc thậm chí không được dọn dẹp thường xuyên.
Nhưng giờ đây, bảng xếp hạng của Nikkei Asia cho thấy cộng đồng quốc tế coi đây là một tiêu chí quan trọng với trải nghiệm đô thị và chất lượng sống.
Đã đến lúc nhà vệ sinh rời khỏi góc khuất của thân phận "công trình phụ", để trở thành nét tự hào đô thị sạch sẽ, văn minh, giống như người Thái hơn 2 thập niên qua, luôn tự hào là điểm đến của nụ cười.
Trong nụ cười ấy, có cả sự an tâm hưởng thụ nhà vệ sinh sạch sẽ.
Nguyễn Thanh Hà đăng quang Hoa hậu Môi trường Việt Nam vào tháng 6.2022 và là người đẹp đầu tiên sở hữu danh hiệu này.
Từ ngày 22.2 - 4.3, Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà sẽ có mặt tại Ai Cập để cùng đại diện 65 nước tranh tài trong cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023.