Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra trong bối cảnh thị trường BĐS tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản, dòng tiền, vướng mắc pháp lý, trái phiếu doanh nghiệp….
Sau 2 năm chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã bị bào mòn cộng thêm sự bất ổn của thế giới gây lạm phát tăng cao vào giữa cuối năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ra các đối sách và ngay lập tức tác động mạnh đến nhiều mặt của nền kinh tế và đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, xây dựng…
Tham chiếu về việc đối phó với sự tác động của COVID-19, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 14/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Doanh nghiệp Bất động sản cũng như Hiệp hội Bất động sản kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp như vậy.
"Doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua", đại diện Novaland phát biểu.
Cụ thể hơn, Novaland xin Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Bên cạnh đó, Novaland cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước cho phép tái cơ cấu nợ vay của các khách hàng mua BĐS mà nguồn trả lãi được hỗ trợ từ chủ đầu tư, các tố chức tín dụng xem xét việc giảm lãi suất cho vay với các khách hàng cá nhân...
Novaland cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án tận gốc do các luật chồng chéo, sự ách tắc này đã kéo dài nhiều năm những chưa được giải quyết. Cụ thể, Novaland kiến nghị xin chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City (tại Đồng Nai) làm dự án thí điểm để Tổ Công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn với mong ước thời gian tháo gỡ trong 1 tháng. Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay. Nếu dự án Aqua City được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ các khó khăn khác của Novaland, giúp hoàn thiện dự án và Novaland thực hiện các nghĩa vụ với Khách hàng, với các nhà thầu, các chủ nợ nước ngoài và ngân hàng.
Dự án Aqua City do Novaland đầu tư và phát triển
"Việc Chính phủ chỉ đạo kịp thời sẽ giúp hồi phục thị trường, giúp các Doanh nghiệp BĐS tăng sức chịu đựng, có thời gian tháo gỡ được pháp lý Dự án và tiếp tục phát triển, đặc biệt nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu, làm ảnh hưởng toàn hệ thống", đại diện Novaland nhấn mạnh.
Đối mặt với áp lực rất lớn khi phải thu xếp nguồn vốn để thanh toán cho các lô trái phiếu đến hạn, Novaland đã và đang chủ động đề xuất các phương án thỏa thuận với trái chủ như chuyển đổi trái phiếu đang sở hữu sang đặt mua các Bất động sản do Novaland đầu tư và phát triển; xin gia hạn trái phiếu với lãi suất ưu đãi... Đây là một trong những nỗ lực hết sức mà Novaland đang chủ động thực hiện để đảm bảo quyền lợi hoặc các giá trị quyền lợi tương đương cho khách hàng, nhà đầu tư của mình trong hoàn cảnh khó khăn chung hiện tại.
Với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác tư vấn hàng đầu như EY- Parthenon, KPMG…, Novaland đang quyết liệt tiến hành tái cấu trúc toàn diện nhằm đưa ra những giải pháp cơ cấu tài chính phù hợp; đồng thời nỗ lực cùng các đối tác, nhà thầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án đang triển khai để bàn giao sản phẩm cho Khách hàng cũng như tạo hàng trăm ngàn công ăn việc làm khi các công trình xây dựng và đưa vào vận hành khai thác. Cũng như các doanh nghiệp cùng ngành, Tập đoàn kỳ vọng Chính phủ và các cơ quan Ban ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững.
Khách hàng nhận bàn giao nhà tại dự án Aqua City
Sau khi nghe đại diện Novaland phát biểu, Thủ tướng một lần nữa đề nghị các đại biểu tập trung phân tích thêm về nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, dẫn tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, các chủ thể liên quan (như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) có trách nhiệm gì, từ đó đề xuất các giải pháp, các chủ thể phải làm gì thời gian tới.
Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tương thân, tương ái, thẳng thắn, chân thành, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, ngân hàng, người dân và các chủ thể liên quan khác cùng giải quyết vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhắc lại thông điệp đã được ông phát biểu nhiều lần: Để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm.
Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân. "Có công ăn việc làm thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, có người mua nhà thì mới phát triển được bất động sản, khu đô thị", Thủ tướng nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!