Trong thông cáo vừa phát đi cuối ngày hôm nay, Sacombank cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Sacombank đối với vấn đề này.
Đây là diễn biến mới nhất tiếp theo sau sự kiện hy hữu: VSD nới nhầm room ngoại cho Sacombank (mã chứng khoán STB, niêm yết trên HoSE) thay vì VietBank (mã chứng khoán VBB, niêm yết trên sàn UpCOM).
Theo Sacombank, từ năm 2016 đến nay, tính cả thời điểm Sacombank đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400 triệu cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Sacombank do Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.
Đến ngày 10-2-2023, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu của Sacombank đã tăng lên 30%. Tuy nhiên, Sacombank không nhận được bất kỳ văn bản nào từ VSD về việc thay đổi tỉ lệ sở hữu.
"Do đó, Sacombank quan ngại về quy trình, thời điểm và cơ sở pháp lý để VSD quyết định thực hiện việc này.
Là ngân hàng TMCP đầu tiên tại Việt Nam thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán và chào bán cổ phiếu ra công chúng, các hoạt động quản lý, công bố thông tin đều được ngân hàng thực hiện chuyên nghiệp, bài bản theo đúng quy định pháp luật và duy trì liên tục trong 31 năm qua.
Việc VSD giữ nguyên tỉ lệ cũ trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỉ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng, đến Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của Sacombank, làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời", văn bản của Sacombank khẳng định.
Sacombank cũng khẳng định văn bản số 06/2023/CV-HĐQT ngày 14-2 vừa qua của ngân hàng hoàn toàn không phải là sự hiểu lầm thông tin mà là yêu cầu VSD làm rõ những vấn đề bất thường trên, giải thích thỏa đáng với cơ quan truyền thông, có hướng giải quyết với Sacombank và chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sacombank cho biết đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu. Đến hết quý 4-2022, lợi nhuận chưa phân phối của Sacombank đạt 13.972 tỉ đồng. Tổng tài sản đạt gần 592.000 tỉ đồng, thu hồi và xử lý được gần 87.900 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 70.300 tỉ đồng là các khoản thuộc đề án, đạt gần 82% kế hoạch tổng thể.
Với những thành quả trên, Sacombank cho rằng đã trở lại vị thế của mình và là cơ hội đầu tư tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài.
"Chúng tôi cũng sẽ chủ động chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng để tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, chiến lược hoạt động.
Do đó, thông tin không rõ ràng về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vừa qua sẽ gây tác động tiêu cực tới kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số quỹ ngoại vì sự việc này đã bày tỏ sự quan ngại đối với năng lực quản trị và cách quản lý thông tin nhà đầu tư.
Đề nghị VSD thay vì đưa ra lý do kỹ thuật như hiện nay, cần có văn bản giải thích thỏa đáng và hướng xử lý minh bạch, cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan", văn bản nhấn mạnh.
Trước đó khi nổ ra sự việc trên, ông Dương Văn Thanh - tổng giám đốc VSD - cho biết tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 30% căn cứ vào hồ sơ đề nghị của ngân hàng tại ba công văn vào năm 2014 về việc đề nghị mở lại tỉ lệ sở hữu cổ phiếu STB cho cổ đông (nhà đầu tư) nước ngoài về mức tối đa là 30%.
Giao dịch của khối ngoại tại STB bắt đầu sôi động từ đầu tháng 11-2022. Ở thời điểm đó, room ngoại của Sacombank ở mức hơn 20%.
Tuy nhiên, sau phiên 11-11-2022, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng với quy mô vài triệu tới vài chục triệu cổ phiếu mỗi phiên. Đến 9-2, STB cạn room ngoại.
TTO - Ngân hàng nếu không được quyết định tỉ lệ sở hữu nước ngoài sẽ khó khăn khi huy động vốn ngoại, vì vậy cần có quy định riêng cho nhóm này...