Khi Nhà nước thu hồi đất, công tác hỗ trợ tái định cư luôn được coi là một nội dung quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của người sử dụng đất.
Đến nay, những quy định liên quan tới việc tái định cư trong Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, nhiều hạn chế, chưa theo kịp sự vận động của đời sống xã hội, gây khó cho những người bị thu hồi đất, và tái định cư.
Được đầu tư hơn 760 tỷ đồng, 4 cụm nhà từ 9 - 15 tầng tại khu tái định cư Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã hoàn thiện từ 2017 với mục đích phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô, nhưng tới nay, hơn 6 năm bỏ hoang vẫn chưa có người tới ở. Hạ tầng sập sệ, khuôn viên trở thành nơi tập kết rác thải.
"Quá lãng phí bởi vì đồng tiền nhà nước bỏ ra không có một hiệu quả gì. Muốn cho người ta tái định cư vào khu tái định cư, khi sửa luật thì xây nhà phải làm sao cho tương đối là về chất lượng. Thứ hai là phải nhanh chóng, người dân mới ổn định được cuộc sống. Ví dụ như thế này, mà bảo giải phóng nơi khác về nhưng người ta nhìn đường sá đơn giản như cái khu này, hạ tầng không có, ai người ta muốn về", ông Cao Đức Quang, tổ 4, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ.
Hạ tầng sập sệ, khuôn viên tại khu tái định cư Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành nơi tập kết rác thải.
Để xây được khu tái định cư này, TP Hà Nội phải giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, nhiều người không đồng thuận với mức giá đền bù trong nhiều năm qua.
"Giá này chắc là áp giá từ bao giờ, chứ giờ làm gì có giá 252.000 đồng/m2. Dân thì hết ruộng rồi, đền bù thế người ta sống làm sao. Sửa luật bây giờ làm sao cho sát với cuộc sống của dân thôi", ông Cao Đức Quang, tổ 4, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nói.
"Hơi bị lãng phí cái đất đai hiện tại của mình. Bởi vì trước chỗ này là trước dân đang canh tác. Nhà nước lấy đất thì dân phải chấp hành, nhưng như này thấy lãng phí quá. Làm thế nào để sửa Luật Đất đai đền bù cho thích đáng cho người dân đỡ thiệt thòi", ông Nguyễn Văn Hoạch, tổ 8, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bày tỏ.
Những người dân ở đây cho rằng, việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai lần này cần bổ sung các quy định về nội dung bảo đảm hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư, trong đó cần quy định hợp lý giá bồi thường, các điều kiện bồi thường phải đảm bảo sinh kế lâu dài cho chủ thể bị thu hồi đất.
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần bổ sung rõ quy định về nguyên tắc và điều kiện tái định cư
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngoài việc quy định lại giá đền bù hợp lý và khoa học hơn, cũng đã bổ sung quy định về tái định cư cho người bị thu hồi đất. Theo đó, nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên để đảm bảo quy định này được thực hiện, dự thảo cũng quy định công tác tái định cư phải đi trước 1 bước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi sửa luật, cần phải bổ sung rõ các quy định về nguyên tắc và điều kiện tái định cư. Trong đó, quy định cần làm rõ tính pháp lý của loại đất bị thu hồi, để được hưởng chính sách tái định cư; làm rõ chủ thể được tái định cư; các trường hợp được tái định cư. Ngay cả quy định có trong Dự thảo là "thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ" cũng cần làm rõ, phải lượng hóa cụ thể chứ không để câu chữ chung chung.
"Thế nào gọi là hơn cái nơi ở cũ thì rất khó so sánh. Vì một cái tài sản là người ta bị thu hồi đất ở mặt đường, nhưng khi chuyển đổi lên vị trí của tái định cư nó là chung cư chẳng hạn thì như vậy rất là khó để so sánh. Có lẽ cuối cùng cũng chỉ so sánh là bằng giá trị tương đương với vị trí bị thu hồi đó giá thực tế là bao nhiêu và khi đền bù thì cái giá trị cái nơi tái định cư kia là bao nhiêu, để xác định ngang nhau về giá. Vấn đề này phải được cụ thể hóa trong quá trình làm luật", Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết.
"Chúng ta phải đặt ra được 2 - 3 phương án để người dân lựa chọn và những cái phương án đó phải có cái thẩm định của cơ quan độc lập khách quan mang tính chất thị trường, định giá xem cái nhà đất tái định cư đấy là cái giá trị nó là bao nhiêu, đáp ứng được những cái tiêu chí nào và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đấy. Còn nếu như không có cái độc lập khách quan ấy thì người dân bảo là không đạt yêu cầu, còn nhà nước thì bảo là tốt, thừa đủ tiêu chuẩn, suất đầu tư rồi mọi chỉ tiêu mọi các cái thứ đều làm hết sức, đã bảo đảm quyền lợi tốt nhất, thì nó sẽ không có ai là trọng tài cái người đứng giữa để bảo đảm quyền lợi thực sự", Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên, Hội đồng Khoa học Pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định.
"Tôi hy vọng là lần này chúng ta làm bài bản chặt chẽ hơn nữa, làm sao để ghi nhận được ý kiến của tất cả người dân, hội đồng nhân dân, các cái sở ban ngành từ các địa phương tham gia vào cái quá trình làm Luật Đất đai rất quan trọng vì đây là các cái cơ quan thực thi và người ta nắm bắt được những cái vướng mắc thực tế từ cơ sở. Những cái chính sách nếu chúng ta quy định cứng nhắc thì có thể đúng với vùng này mà không đúng với vùng kia, nên trong luật cũng sẽ đẩy mạnh cái việc phân cấp cho các địa phương để có các cái quy định cho phù hợp", ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay.
VTV.vn - Tính đến 0 giờ ngày 16/2, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có 52 tỉnh thành, 7 bộ ngành có kế hoạch lấy ý kiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73855910271203202-uc-hnid-iat-ub-ned-gnort-pac-tab-ueihn/et-hnik/nv.vtv