Năm 2023 này, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu những tác động bất lợi từ thị trường, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vẫn còn nhiều cơ hội để tăng trưởng đạt mức 6,8 - 7,5% trong năm nay.
Năm nay, việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ có những tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần thích ứng linh hoạt.
Giá bán cao tưởng như là mong muốn của nhiều doanh nghiệp, nhưng với lĩnh vực sản xuất phân bón, việc duy trì giá cao trong thời gian dài đã và đang làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón ở thị trường trong nước.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, năm 2022 nhu cầu tiêu thụ nội địa đối với phân bón giảm tới 30% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt tìm kiếm thị trường mới để tăng sản lượng xuất khẩu.
"Để thích ứng với việc giảm cầu trong nước, chúng tôi xuất khẩu gần một nửa sản lượng sản xuất, với đà này, năm 2023 chúng tôi sẽ phát huy tinh thần thích ứng linh hoạt để tiêu thụ được hết sản lượng cũng như có mức giá cạnh tranh", bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt tìm kiếm thị trường mới để tăng sản lượng xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 đạt hơn 25 tỷ USD, giảm gần 7 tỷ USD. Lý do là trùng với thời gian nghỉ Tết nguyên đán, nhưng một phần cũng do những biến động tiêu cực của thị trường.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với 20 hiệp định thương mại đã được thực thi, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn khá nhiều dư địa.
"Chúng ta cũng kỳ vọng cuối năm thị trường thế giới hồi phục, như vậy xuất khẩu sẽ là một trong những trụ đỡ cho tăng trưởng", ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay.
"Có thể từ khóa năm 2023 là thúc đẩy và cải thiện chất lượng thực thi, là điều phải quan tâm. Chúng ta có nhiều chính sách tốt nhưng làm sao thực thi tốt ở nhiều bộ ngành, chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhiều địa phương cũng đã tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư cấp tỉnh theo hướng công khai, minh bạch để thu hút đầu tư.
Năm 2023, để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, Chính phủ đã dành hơn 700.000 tỷ đồng cho đầu tư công, tăng 25% so với năm 2022. Cùng với đó là dành 147.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là những động lực rất quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
VTV.vn - Hơn 20% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cho biết có doanh thu tăng trong năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40082120271203202-gnourt-gnat-ed-taoh-hnil-gnu-hciht-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv