Ấu trùng sán lợn có thể tồn tại trong người 10 - 20 năm, riêng ở não nó có thể gây ra 7 nhóm bệnh thần kinh.
Đi nhiều nơi, bác sĩ bỏ qua không chẩn đoán ra bệnh
Bệnh nhân là ông Chu Văn B., 58 tuổi (Lạng Sơn), bị đau đầu gần một năm nay: đau đầu vùng trán đỉnh, đau mơ hồ, 5 - 10 phút, ngày 1 - 2 cơn, bệnh nhân tự mua thuốc giảm đau uống thì hết, nhưng cứ 2 - 5 ngày, bệnh nhân lại xuất hiện một cơn mặc dù bệnh nhân vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường.
Cách đây khoảng ba tháng, các cơn đau tăng dần về cường độ và thời gian. Cứ hai ngày bệnh nhân bị 1 - 2 cơn đau, mỗi cơn đau kéo dài 5 - 7 phút, uống giảm đau ít tác dụng, bệnh nhân giảm trí nhớ, ngủ kém. Bệnh nhân nghĩ mình bị ung thư và rất lo lắng.
Đi khám nhiều nơi cả tuyến tỉnh và trung ương, CT sọ não không phát hiện bất thường và được chẩn đoán: đau đầu do thiểu năng tuần hoàn não/rối loạn lo âu.
Bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định ba tuần không thấy cải thiện. Cách đây hai tuần, bệnh nhân đau đầu tăng lên, mất ngủ, đi lại yếu 1/2 người phải, đau bắp chân, mỏi cơ cánh tay phải... Bệnh nhân sợ bị u não nên vào Bệnh viện K khám.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, khoa ngoại đầu cổ, Bệnh viện K, người trực tiếp khám cho bệnh nhân, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán đau đầu chưa rõ nguyên nhân, nghi u não.
Kết quả chụp MRI sọ não không thấy hình ảnh tổn thương do u mà lại thấy hình ảnh tổn thương là... sán lợn ở bán cầu đại não hai bên (Nẻuocysticercosis). Kết quả xét nghiệm chuyên khoa sâu tại Viện Sốt rét và ký sinh trùng trung ương, bệnh nhân bị... nhiễm ấu trùng sán lợn ở não.
Bệnh nhân được sử dụng các thuốc đặc trị cho nhiễm ấu trùng sán lợn. Sau điều trị bảy ngày, bệnh nhân đỡ đau đầu, đi lại khỏe hơn.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng nhận định đây là một ca bệnh khó, vì bệnh nhân không thấy rõ yếu tố dịch tễ, các triệu chứng về tiêu hóa với nhiễm sán lợn. Bệnh ít gặp nên các bác sĩ thường dễ bỏ qua, các triệu chứng của não biểu hiện mơ hồ… Vì vậy dẫn đến tình trạng bệnh nhân đi nhiều nơi mà không chẩn đoán ra.
May mắn cho người bệnh do bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng. "Các triệu chứng của bệnh hay nhầm lẫn trong các bệnh lý về thần kinh, tâm thần và khối u não" - bác sĩ Dũng nói.
Không chỉ ăn thịt lợn mới gây bệnh
GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội, cảnh báo nhiều người cứ nghĩ mắc ấu trùng sán lợn là do ăn phải lợn gạo, thịt lợn sống, tiết canh, nem chạo…, nhưng thực tế kể cả khi không ăn loại thực phẩm này cũng mắc bệnh.
Sán lợn vào người theo hai cách:
Thứ nhất, khi người ăn phải thức ăn (rau sống, thực phẩm nhiễm bẩn...), nước uống, tay bẩn có nhiễm trứng sán lợn đưa lên miệng thì sẽ bị ấu trùng sán lợn. Trứng sán vào người rồi phát triển thành ấu trùng sán, chui qua thành ruột vào máu để đến cơ và não, có khi vào mắt.
Thứ hai, xâm nhập qua đường tự nhiễm là ăn phải thịt lợn có ấu trùng sán vào ruột phát triển thành sán trưởng thành ký sinh trong ruột, do nhu động ngược của ruột, các đốt sán già bị trào ngược lên dạ dày, trứng sán thoát ra khỏi đốt sán rồi nở ra ấu trùng và xâm nhập vào vòng tuần hoàn để đến cơ và não...
Nhiều trường hợp trên một bệnh nhân nhiễm cả sán trưởng thành và cả ấu trùng sán lợn. Tuy nhiên trên thực tế thường gặp ấu trùng sán lợn là thứ phát sau tiền sử có mắc bệnh sán trưởng thành. Thống kê cho thấy trong số 60 bệnh nhân ấu trùng sán lợn điều trị tại Hà Nội có 30% nhiễm sán trưởng thành.
Người nhiễm sán lợn và ấu trùng sán lợn có thể có rất ít hoặc không có triệu chứng trong nhiều năm (từ 10 - 20 năm), hoặc tùy từng vị trí ấu trùng sán lợn cư trú mà biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Một số vị trí sán hay cư trú như sau:
Ở não: Não là vị trí thường gặp nhất. Ấu trùng sán lợn cư trú trong hệ thần kinh trung ương, từ 60 - 96%. Những nang ở não gây bảy nhóm bệnh thần kinh như: động kinh, tăng áp lực sọ não, viêm não, rối loạn tâm thần, viêm màng não, rối loạn chức năng thần kinh và thể phối hợp.
Các biểu hiện thường gặp: nhức đầu 48,4%, động kinh 6,2%, rối loạn tâm thần 5,2%, rối loạn thị giác 15,6%, suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ 28,1%, co giật cơ 34,3%. Bệnh nhân có ấu trùng sán lợn trong não cao nhất là 300 nang. Bệnh nhân có thể bị liệt, có thể bị đột tử. Có trường hợp còn ký sinh ở tủy sống gây liệt (đã gặp ở Bệnh viện Việt Đức).
Ở da, cơ: Thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu... Biểu hiện là các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ nhỏ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lặn sâu trong cơ dưới da, màu da ở trên bình thường, bóp chặt có hiện tượng căng phồng của túi nước.
Nói chung bệnh nhân không thấy có triệu chứng gì đặc biệt mà do bệnh nhân sờ thấy. Tuy nhiên, trong các trường hợp nhiều kén bệnh nhân có thể cảm thấy mỏi hoặc có hiện tượng giật cơ...
Cách phòng tránh bệnh
"Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng hoặc ấu trùng như thịt lợn gạo chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sẽ chết khi được đun sôi trong vòng 5 phút, nếu miếng thịt dày cần đun lâu hơn.
Để chủ động phòng bệnh cần:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
- Chỉ sử dụng thịt lợn đã được kiểm định an toàn thực phẩm để chế biến. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín như nem thính, nem chua (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ATSL).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
TTO - Các chuyên gia về y tế cho biết gần đây tình trạng người dân nhiễm ký sinh trùng đang gia tăng do ảnh hưởng trào lưu ăn đồ tươi sống như hải sản sống, nhưng không kiểm soát được nguồn thực phẩm.
Xem thêm: mth.40922618081203202-oan-gnort-ot-mal-nol-nas-ogn-oan-uht-gnu-od-uad-uad-gnout/nv.ertiout