Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Đinh Việt Thắng giải thích vì sao các hãng hàng không thiếu máy bay:
"Thời điểm hiện tại, đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 213 chiếc, giảm 18 chiếc máy bay so với năm 2023.
Trong đó, số lượng máy bay đang khai thác thực tế dao động từ 165 - 170 chiếc, giảm khoảng 40 - 50 máy bay so với bình quân năm 2023.
Các nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam gồm:
Thứ nhất, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã thông báo về việc triệu hồi động cơ PW 1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600 - 700 động cơ PW 1100 đang khai thác trên các đội bay toàn thế giới).
Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên 42 máy bay Airbus A321 NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air.
Việc triệu hồi động cơ để kiểm tra, sửa chữa đã làm 50% số máy bay Airbus A321 NEO phải dừng khai thác từ tháng 1-2024.
Số máy bay còn lại tiếp tục tạm dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 khi đến kỳ kiểm tra động cơ.
Thứ hai, các hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội máy bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác trong giai đoạn này và chờ thị trường khôi phục, phát triển trở lại trong giai đoạn tới đây.
Ngoài ra, việc các hãng hàng không Việt Nam tiến hành bảo dưỡng định kỳ máy bay sau phục vụ giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024 và chuẩn bị tiếp theo trong công tác phục vụ cao điểm hè năm 2024 cũng là nguyên nhân cho sụt giảm đội máy bay thời điểm hiện tại".
Tăng giá vé phù hợp với quy luật cung cầu
* Việc giảm số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ tác động trực tiếp các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025 như thế nào?
- Sự biến động đội máy bay của các hãng trong năm 2024 sẽ làm sụt giảm nhất định tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong các năm 2024 và 2025 của các hãng hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam đã có những giải pháp và chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng, thực hiện các phương án bảo đảm, duy trì tối đa lực lượng đội máy bay và triển khai bổ sung thuê mua số lượng máy bay phù hợp;
Đồng thời tăng cường bay vào các khung giờ đêm tại các sân bay để bù đắp tải cung ứng sụt giảm;
Phục vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và hạn chế những tác động tiêu cực do biến động sụt giảm của đội máy bay.
* Cùng với sự thiếu hụt máy bay, các hãng Bamboo Airways, Pacific Airlines thực hiện tái cơ cấu, dừng khai thác nhiều đường bay.
Vậy khả năng khan hiếm vé, giá vé luôn duy trì ở mức cao, nhất là trong dịp cao điểm hè, Tết 2025 có xảy ra?
- Việc có sự biến động về giá (tăng giá) trên một số chặng bay trong giai đoạn Tết và cao điểm hè so với ngày thường là phù hợp với quy luật cung cầu, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán khi các hãng phải bù đắp chi phí khai thác các chuyến bay chuyển sân hoặc chuyến bay có hệ số sử dụng ghế thấp ở chiều ngược lại.
Theo thống kê của các hãng hàng không Việt Nam, giá vé trung bình trên chặng bay TP.HCM - Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2024 giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách trong giai đoạn cao điểm hè năm 2024 và Tết Nguyên đán năm 2025, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện bổ sung máy bay thuê ướt (thuê máy bay và cả tổ bay), thuê khô (chỉ thuê máy bay) và thực hiện các hợp đồng mua máy bay để bổ sung cho các máy bay bị thiếu hụt, duy trì ổn định lực lượng vận tải hàng không cũng như cung cấp các giá vé máy bay ở mức hợp lý với nhu cầu của hành khách.
Phí, phụ thu có đúng quy định?
* Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam luôn khẳng định các hãng hàng không Việt Nam bán giá vé máy bay nội địa không vượt trần nhưng người dân vẫn cho rằng giá vé cao.
Có ý kiến cho rằng chi phí khai thác của vận tải hàng không trung bình khoảng 9,5 cent/hành khách/km. Đường bay Hà Nội - TP.HCM cự ly hơn 1.000km, chi phí hơn 100 USD/vé mới đủ hòa vốn. Vậy chi phí cấu thành giá vé máy bay thế nào?
- Về tổng thể, chi phí vé máy bay được cấu thành từ toàn bộ các chi phí bảo đảm vận hành hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không của một hãng hàng không bao gồm: chi phí khai thác trực tiếp, chi phí khai thác mặt đất, chi phí vận hành hệ thống, quản trị doanh nghiệp.
Theo thống kê của webiste Statista (một trang thống kê của Đức), chi phí cho mỗi ghế - km cung ứng (CASK - Cost Availble Seat km) của các hãng hàng không Mỹ trong giai đoạn từ năm 2014 - 2021 là khoảng 12 cent. Tại khu vực châu Á, theo ước tính năm 2022, CASK của Singapore Airlines là khoảng 11,3 cent; của China Southern Airlines là khoảng 10,4 cent.
Tại Việt Nam, theo quy định, mức giá vé tối đa vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa cho chặng bay có cự ly từ 1.000 - 1.280km là 3,4 triệu đồng. Với chặng bay Hà Nội - TP.HCM có cự ly là 1.150km, với mức giá trần theo quy định là 3,4 triệu đồng thì doanh thu tương đương 0,118 USD (11,8 cent) trên hành khách - km.
Với việc toàn bộ chuyến bay được bán với giá trần và hệ số sử dụng ghế đạt tối đa thì doanh thu trên đường bay này cũng chỉ ở mức xấp xỉ, tương đương với CASK bình quân trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các hãng hàng không Việt Nam bán nhiều mức giá trên các chặng bay nội địa (không phải chuyến bay nào cũng bán toàn bộ với giá trần) và hệ số sử dụng ghế trung bình trên các đường bay nội địa dao động từ 80 - 85% thì các hãng hàng không Việt Nam còn gặp khó khăn để đạt mức hòa vốn trên nhiều chặng bay.
* Nhiều hành khách phàn nàn các hãng hàng không Việt Nam không bán quá trần giá vé máy bay nội địa. Nhưng các hãng đều đặt ra những loại phí, phụ thu.
Trong đó phụ thu quản trị hệ thống từ 430.000 - 450.000 đồng/vé. Vậy phụ thu này nhằm mục đích gì, có được Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận?
- Theo đó, quy định về mức giá phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay trừ các khoản thu như thuế giá trị gia tăng;
Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, khoản giá dịch vụ tăng thêm do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường (ví dụ như suất ăn, báo chí, hành lý ký gửi, giải trí trên máy bay...).
Có thể khẳng định các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay phổ thông nội địa trong khung giá quy định. Các mức giá vé máy bay được các hãng hàng không thực hiện kê khai với Cục Hàng không Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ví dụ chặng bay Hà Nội - TP.HCM Vietnam Airlines có 17 mức giá trong đó giá cao nhất là 2,937 triệu đồng hay của Vietjet là 18 mức giá trong đó giá cao nhất là 2,870 triệu đồng, không vượt quá giá trần theo quy định của thông tư 34 (giá trần trên đường bay này là 3,4 triệu đồng).
* Cục Hàng không Việt Nam có khuyến cáo gì hành khách để đi lại thuận tiện trong bối cảnh đội bay của các hãng hàng không Việt Nam thiếu hụt?
- Trong giai đoạn ngành hàng không bị ảnh hưởng bởi sự biến động đội tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân như sau:
Nghiên cứu, lựa chọn các hình thức, phương tiện phù hợp với kế hoạch di chuyển đến các điểm đến;
Chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để sắp xếp kế hoạch, sớm đặt vé khi lựa chọn đi máy bay; các tổ chức, cá nhân nên mua vé qua các phòng vé, đại lý chính thức của hãng để bảo đảm quyền lợi;
Thông tin đến Cục Hàng không Việt Nam, cảng vụ hàng không khu vực hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo đường dây nóng trong trường hợp phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách.
Trước thực trạng thiếu máy bay để khai thác, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng có giải pháp bổ sung máy bay, không để tăng giá vé máy bay trái quy định.