Dù thị trường có vẻ kém hơn một chút vào cuối tuần nhưng thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục thách thức điều đã nhiều lần được chứng minh trong các chu kỳ trước đây: Tác động của tăng lãi suất tới thị trường chứng khoán.
Với việc hàng loạt quan chức FED đe dọa tăng lãi suất sau khi các dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng nóng, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ bắt đầu tăng cao và các nhà giao dịch cũng tin lãi suất sẽ tăng trong chu kỳ điều chỉnh sắp tới.
Tuy nhiên, S&P 500 đã kết thúc tuần với mức giảm chỉ 0,3%. Trong khi đó, Nasdaq tiếp tục tăng 0,4%. Những gì mà người ta lo ngại về một đợt thắt chặt chính sách tiền tệ tồi tệ nhất một thế hệ đã không tác động quá nặng nề tới thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua hay ít nhất là phần lớn tuần qua.
“Rủi ro là chúng ta đang phải đối mặt với một tình trạng lặp đi lặp lại, kéo dài suốt nhiều tháng qua. Nếu rủi ro lạm phát cao và vĩ mô biến động, cả cổ phiếu và trái phiếu đều sẽ dắt tay nhau đi xuống. Và đó cũng nên là mối quan ngại chính của chúng ta ở thời điểm hiện tại, nhất là sau khi thị trường có chút phục hồi. Chúng ta hoàn toàn có thể phải đối mặt với một cú sập khác”, Christian Mueller-Glissmann của Goldman Sachs cho biết.
Cả cổ phiếu và trái phiếu đều đã tăng mạnh vào đầu năm 2022, khi số liệu thống kê cho thấy tuyển dụng, số nhà ở và doanh số bán lẻ đều tăng cao một cách đáng ngạc nhiên. Thời điểm đó, những ngôn từ “diều hâu” từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã không thể hạ nhiệt được thị trường chứng khoán dù nó có khả năng tác động tới thị trường trái phiếu.
Điều tương tự đang xảy ra. Thị trường trái phiếu đã giảm còn chứng khoán Mỹ vẫn chưa có mấy biến động. Tuy nhiên, cú sập thảm khốc đầu năm 2022 có thể là bài học mà các nhà đầu tư cần cân nhắc trong năm 2023 hiện nay.
Các nhà đầu tư chứng khoán đặt cược vào một kịch bản mà trong đó nền kinh tế có thể hạ cánh mềm với tăng trưởng ổn định và lạm phát nhanh chóng hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, Mueller-Glissmann của Goldman cả 2 điều này đều có thể sai. Các nhà kinh tế nói rằng FED đang thiết kế các chính sách để có một cú hạ cánh mềm nhưng họ cũng nghĩ rằng để kiểm soát lạm phát, tăng trưởng phải chậm lại.
“Nếu thực sự FED cần mạnh tay hơn nữa để điều đó trở thành hiện thực, họ sẽ làm. Thị trường đang hơi lạc quan quá và chúng tôi thì không ủng hộ điều ấy”, Mueller-Glissmann nói.
Ngân hàng này khuyến nghị khách hàng nên phòng phủ đối với các tài sản rủi ro, bao gồm mua quyền chọn bán và tăng tỷ trọng tiền mặt đồng thời áp dụng các vị thế khác có lợi trong trường hợp lãi suất tăng cao hơn nữa.
“Thị trường đang đánh giá sai cả về lạm phát và lãi suất. Hậu quả là chúng ta có thể dễ dàng thất vọng cả về con số lạm phát lẫn đánh giá tăng trưởng của nền kinh tế”, Mueller-Glissmann nói.
Tham khảo: Bloomberg
Xem thêm: nhc.99432911181203202-taus-ial-ev-oab-hnac-gnuhn-ol-tohp-cut-peit-naohk-gnuhc-ut-uad-ahn/nv.fefac