Theo bài viết mới đây trên trang Fortune, qua một khảo sát người lao động thuộc Gen Z - thế hệ đã gia nhập thị trường việc làm được 3 năm, đã đưa ra kết luận cho thấy những người thuộc độ tuổi này "không ngại lên tiếng" ở nơi làm việc.
Gen Z có vẻ trung thực đến "quá đáng" khi "chỉ ra" cấp trên của mình đã làm sai những việc gì.
Theo khảo sát từ Adobe, gần 3/4 lao động trẻ được khảo sát nói rằng họ hoàn toàn thoải mái trong việc "nhận xét" lại cấp trên. Và tỉ lệ này lên đến 90% người trả lời cho rằng họ thoải mái với việc nhận xét đồng nghiệp.
Cũng có 90% cho biết họ thoải mái khi thảo luận về mức độ hài lòng hoặc không hài lòng của mình tại chỗ làm.
Bên cạnh đó, phần lớn người tham gia khảo sát cho biết họ không ngại khi bàn về những vấn đề từng là "cấm kỵ" tại nơi công sở, như về tiền bạc. Gần 8 trên 10 người trả lời rằng họ không ngại tiết lộ về tiền lương.
Tương tự khảo sát của Adobe, nhiều khảo sát trước đây cũng cho thấy Gen Z đang "phá vỡ chuẩn mực" nơi công sở.
Gen Z đã làm "xáo trộn" chốn công sở, đòi hỏi cho sự linh hoạt, lương bổng và trang phục không quá "nghiêm túc".
Qua rồi thời làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều, Gen Z sẵn sàng làm từ 6h tối cho đến khuya và nhận nhiều công việc cùng lúc, miễn là phù hợp với lối sống cá nhân.
Gen Z không thích những công việc quá áp lực và quá nhiều trách nhiệm. Thế hệ này cũng phản đối "văn hóa hối hả" - nỗ lực làm thêm giờ để tăng năng suất công việc.
Theo nhận xét của trang Fortune, các doanh nghiệp không nên bỏ qua những thay đổi đối với văn hóa công ty tuy chậm mà ổn định này. Gen Z dự kiến sẽ chiếm 25% lực lượng lao động vào năm 2025.
Hơn thế nữa, Gen Z cũng đang thay đổi cách "đối đáp" nơi công sở.
Theo một nghiên cứu của Barclays LifeSkills đối với người lao động trên 18 tuổi tại Anh được xuất bản hồi tháng 9, khoảng 70% người được hỏi cho biết họ nhận thấy có sự thay đổi trong cách giao tiếp tại chỗ làm trong vòng năm năm qua, với 71% trong số đó tin rằng Gen Z là nguyên nhân cho sự thay đổi này.
Khoảng 73% cho biết cách giao tiếp của họ khi làm việc đã trở nên "thường ngày" hơn vì nguyên nhân này. Sự thay đổi này phản ánh qua cách mọi người ký tên khi kết thúc mỗi email. Các cụm từ thông dụng như "Thân ái" được cho là lỗi thời và sẽ dần biến mất trong thập kỷ tới.
Việc thay đổi ngôn ngữ trong email cho thấy khao khát của người trẻ cho việc để lại dấu ấn của mình lên mọi việc.
Nghiên cứu cho thấy 97% số người từ 18-24 tuổi tham gia khảo sát cho biết họ muốn "phản ánh" tính cách của mình qua giao tiếp tại chỗ làm, 40% cho rằng chỉ thay đổi ngôn ngữ của email vẫn là chưa đủ.
"Việc 'phá vỡ chuẩn mực' nơi công sở phản ánh trong ngôn từ được người trẻ sử dụng và việc giao tiếp tại đây nói chung", tiến sĩ Laura Bailey, giảng viên cao cấp tại Đại học Kent (Anh), cho biết trong nghiên cứu.
Tự do tài chính đang trở thành một mục tiêu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ và nhóm thanh niên Gen Z.