"Hội đồng nhân dân phải có cơ chế tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp. Từ đó điều chỉnh, giúp công tác quản lý được tốt hơn", ông Nguyễn Minh Nhựt - phó trưởng Ban Văn hóa, Hội đồng nhân dân TP.HCM - chia sẻ lý do có mặt tại một quán cà phê ở quận 7 (TP.HCM) vào sáng 18-2 để bàn chuyện cho ngành quảng cáo.
Đây là buổi nói chuyện trực tiếp thuộc chương trình "OOH Coffee", do Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM và Câu lạc bộ Quảng cáo ngoài trời TP.HCM (OOH Club) tổ chức.
Doanh nghiệp chờ quy hoạch quảng cáo ngoài trời
Ngồi kế bên, ông Bùi Minh Quân - tổng giám đốc Công ty TNHH XD quảng cáo Kim Ngân - nêu tình hình doanh nghiệp quảng cáo hiện gặp nhiều áp lực về vốn, nguồn nguyên liệu, nhân lực...
Tuy nhiên, điều rất được những người tham dự buổi tọa đàm quan tâm là tiến độ ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại TP.HCM.
Sau hơn 10 năm Luật quảng cáo được ban hành, ngành quảng cáo phát triển không ngừng, nhưng TP lại chưa có quy hoạch quảng cáo rõ ràng, dẫn đến nhiều biển, bảng quảng cáo xuất hiện ở các vị trí không phù hợp.
Theo tìm hiểu, việc không có quy hoạch cũng khiến nhiều doanh nghiệp đặt biển quảng cáo một cách tùy tiện, gây mất an toàn...
Ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ lại rằng trong thời gian qua Hội đồng nhân dân TP đã đẩy mạnh tổ chức khảo sát ở nhiều quận huyện trên địa bàn, tham mưu cho lãnh đạo TP tổ chức phiên họp giải trình, từ đó đánh giá những kết quả thực hiện, các khó khăn đang tồn tại của các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn TP.
Đến giữa năm sẽ có quy hoạch quảng cáo
Theo kế hoạch, trước ngày 31-3-2023 Hội đồng nhân dân TP sẽ ban hành cơ chế phối hợp với các sở ngành, quận huyện về hiệu lực - hiệu quả của cơ quan nhà nước trong quản lý quảng cáo.
Trước ngày 30-6, TP phải ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Vì quy hoạch này liên quan đến Luật quảng cáo, Luật giao thông đường bộ, Luật xây dựng, Luật đất đai… nên để thực thi luật phải trải qua nhiều giai đoạn.
Đến tháng 7 sẽ đánh giá lại một cách toàn diện liên quan đến lĩnh vực quảng cáo TP.
Thông qua kế hoạch trên, cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cạnh tranh một cách công bằng, sòng phẳng.
“Năm nay có 'trận đánh' toàn diện trong ngành quảng cáo, đánh dấu sự vực dậy của ngành trong các quy định pháp luật và khoa học”, đại diện Hội đồng nhân dân TP chia sẻ.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn TP trong thời gian dài, ông Trần Thanh Vương - trưởng Phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - khẳng định: "Phòng tôi không bao giờ khóa cửa. Nếu có vấn đề cần trao đổi, cần được lắng nghe để giải quyết, anh chị có thể tới sở bất cứ lúc nào".
Sau nhiều năm chờ đợi, vào giữa năm nay quy hoạch quảng cáo ngoài trời TP.HCM được ban hành, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng cáo phát triển lành mạnh, nhiều hình thức quảng cáo hiện đại cũng được triển khai.
Quảng cáo còn trống hơn 1/3
Về thị trường quảng cáo ngoài trời trong quý 1-2023, dẫn dữ liệu do Công ty Đông Nam và Công ty Compass Tech khảo sát, ông Nguyễn Quang Nhựt - phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM - cho biết tại TP.HCM, tỉ lệ lên bảng quảng cáo chiếm 62% (tương đương giá trị hơn 18,3 triệu USD), tỉ lệ bảng trống chiếm 38% (hơn 7,45 triệu USD).
Ở quý đầu năm, trong các bảng quảng cáo ngoài trời, ngành bất động sản dẫn đầu với 39% (giá trị ước tính gần 7,2 triệu USD), vị trí á quân thuộc về ngành FMCG - tiêu dùng nhanh với 24% (gần 4,3 triệu USD), tiếp đến là các ngành điện máy (gần 2,2 triệu USD), thẩm mỹ - thực phẩm chức năng (965.000 USD), tài chính ngân hàng (712.000 USD)…
Tuy nhiên, với tình hình ngành bất động sản đang gặp khó khăn, khả năng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của ngành quảng cáo ngoài trời trong các quý tới. Do đó doanh nghiệp cần có phương án thích ứng.
Thời gian gần đây mặc dù số lượng bảng quảng cáo ốp tường giảm, nhưng điểm tích cực là bảng quảng cáo điện tử tăng, do tính hiệu quả trong đầu tư cũng như có sự tinh giản của thủ tục xin phép. Theo dự báo, sau khi quy hoạch quảng cáo tại TP.HCM được phê duyệt, số lượng bảng quảng cáo điện tử sẽ tăng thêm.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị xây dựng cơ chế, chính sách để TP.HCM sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa... và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Xem thêm: mth.79542111181203202-oac-gnauq-peihgn-hnaod-pag-ehp-ac-nauq-ar-ohp-hnaht-oad-hnal/nv.ertiout