Theo đó, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trước những cú sốc như đại dịch, thiên tai, suy thoái kinh tế, khủng hoảng thị trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp, theo tờ trình Chính phủ dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).
Hợp đồng một tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Cụ thể, bộ này kiến nghị tất cả người có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng từ một tháng trở lên sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã cũng phải tham gia.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 16 triệu (37% lực lượng lao động) trong khi số đóng bảo hiểm thất nghiệp là 14,3 triệu (31%). Với đề xuất này thì gần 1,7 triệu lao động có hợp đồng từ một đến dưới ba tháng sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Luật hiện hành quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% bình quân tiền lương đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Người lao động đóng đủ 12 - 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Linh động mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Cũng trong đề xuất, mức đóng tối đa vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là người lao động đóng 1% tiền lương tháng, doanh nghiệp đóng 1% tổng quỹ lương tháng và ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%. Tùy thực tế, Chính phủ quyết định mức đóng cụ thể thay vì phải xin ý kiến Quốc hội. Có thể chỉ 0,5% tránh kết dư quá nhiều do đây là quỹ ngắn hạn.
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động, chủ doanh nghiệp trước các biến động lớn. Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa 15 xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tháng 10-2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5-2025.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, đề xuất người lao động có hợp đồng làm việc từ một tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp thay vì đủ ba tháng trở lên là "hướng mở để bảo vệ quyền lợi cho người lao động". Đồng thời Luật BHXH (sửa đổi) cũng phải đồng bộ sửa đồng thời để ký hợp đồng 1 tháng trở lên cũng phải đóng BHXH, BHTN, tránh khoảng ngắt quãng, ảnh hưởng đến người lao động.
Đồng tình với quy định trên, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết thực tế yêu cầu đóng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng một tháng không mới, quốc tế cũng khuyến khích cứ ký hợp đồng lao động thì phải đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên, ông cảnh báo doanh nghiệp sẽ phản đối vì tăng chi phí do phải đóng BHTN ngay từ tháng đầu tiên. Kinh nghiệm cũng chỉ ra có thể nghiên cứu phương án định kỳ 3-5 năm, căn cứ tình hình thực hiện, Chính phủ trình Quốc điều chỉnh mức đóng cho phù hợp thay vì sửa luật.
Cũng theo ông Huân, cơ quan chức năng cần xem xét lại mức thu - chi của Quỹ BHTN, nếu mức dư cao (hơn 60.600 tỉ đồng, tính đến 31-12-2021) thì mức đóng giảm xuống (có thể 50%). Mức hưởng trợ cấp của người lao động theo 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm cần tính toán lại (hiện cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp). "Quỹ BHTN không giống như quỹ khác, không nên tích nhiều, không cần dài hạn", ông Huân nói.
Đại diện một doanh nghiệp dệt may cho biết việc quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp ngay từ tháng đầu tiên ký hợp đồng sẽ tạo thêm gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp trong thời điểm này khi tình trạng thiếu đơn hàng chưa biết khi nào sẽ được cải thiện.
"Quy định của nhà nước thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện. Nếu đưa quy định này vào thực hiện cùng với cam kết điều chỉnh linh hoạt mức đóng 0,5-1% cho doanh nghiệp tùy vào thời điểm, tình hình kinh doanh thay vì cố định 1% tổng quỹ lương như hiện nay để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp thì chúng tôi ủng hộ", vị đại diện chia sẻ thêm.
TTO - Bảo hiểm thất nghiệp là một trong ba loại bảo hiểm bắt buộc hiện nay với nhóm lao động ở khu vực chính thức, cùng với bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Những năm qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp có số dư lớn, việc chi trả liệu có phù hợp?
Xem thêm: mth.1513647191203202-gnaht-tom-gnod-oal-gnod-poh-ohc-peihgn-taht-meih-oab-gnod-taux-ed/nv.ertiout