vĐồng tin tức tài chính 365

Kẻ đầu độc bí ẩn đứng sau cái chết của 12 người uống nước miễn phí

2023-02-20 03:00

Trước khi đọc vụ án này, độc giả hãy nghĩ về một trưa hè. Bạn đang đi bộ trên đường, nhiệt độ ngoài trời là 40 độ C. Trước mặt bạn là một máy bán hàng tự động công cộng, đầy đồ uống mát lạnh.

Bạn định nhét tiền vào khe nhưng bất ngờ nhìn thấy một chai nước còn nguyên, và cũng mát lạnh, bị bỏ quên trong hộc. Nghĩa là bạn có một chai nước giải khát miễn phí trước mặt.

Bạn có lấy nó không?

Hầu hết mọi người có thể sẽ chọn không, bởi không biết tại sao nó ở đó và ai đã chạm vào nó.

Nhưng ở Nhật Bản vào năm 1985, hàng nghìn người đã đối mặt với kịch bản tương tự. 12 người chọn uống nó, và đã chết. Những chai đồ uống này bị bỏ quên có chủ ý và được tẩm paraquat. Đây là chất được nhà chức trách sử dụng để diệt cây cần sa. Người làm vườn sử dụng để diệt cỏ dại. Chỉ cần dính vào vết thương hở hoặc nuốt phải một ngụm nhỏ bằng thìa cà phê, paraquat khiến người trưởng thành tử vong, theo cách cực kỳ đau đớn.

Gần 40 năm qua, bất chấp nỗ lực của nhiều thế hệ "thám tử Conan", Nhật Bản vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Kẻ giết người hàng loạt khét tiếng, được mệnh danh The Vending Machine Killer - sát nhân hàng loạt ở máy bán hàng tự động.

Haruo Otsu, 52 tuổi, cư dân Fukuyama, tỉnh Hiroshima là nạn nhân đầu tiên. Sáng 30/4/1985, ông đi câu cá và dừng lại dọc đường để uống nước tại một máy bán hàng tự động. Trong những thứ ông mua có hai chai nhỏ gọi là Oronamin C, một loại nước trái cây giàu vitamin đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản khi đó.

Một máy bán hàng tự động ở Nhật bản. Ảnh: Sound Cloud

Một máy bán hàng tự động ở Nhật bản. Ảnh: Sound Cloud

Uống được nửa chai thứ hai, ông Otsu buồn nôn, bụng đau dữ dội. Vài giờ sau, ông được đưa đến bệnh viện thị trấn Tondabayashi. Các xét nghiệm cho thấy người đàn ông này đã uống phải paraquat.

Bất chấp những nỗ lực của các nhân viên y tế, ông chết một ngày sau đó. Các chai Oronamin C đã được kiểm tra nhưng không phát hiện ra sự giả mạo nào. Các nhà điều tra đã gặp khó khăn về nguồn gốc các chai này nhưng không có manh mối. Vụ án nhanh chóng trở nên nguội lạnh.

Năm tháng sau, 11/9, một người đàn ông khác gặp đúng kịch bản của ông Otsu. Ông ta cũng uống một chai Oronamin C "may mắn" ở máy bán hàng tự động, chết sau 3 ngày, cũng vì paraquat. Một ngày sau, một nam sinh viên trở thành nạn nhân thứ ba.

Các cuộc điều tra bị cản trở bởi thực tế là các nạn nhân dường như được chọn một cách ngẫu nhiên. Các vụ giết người diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau và các máy bán hàng tự động luôn ở những nơi yên tĩnh. Cảnh sát thừa nhận, thực sự không có đầu mối để lần theo.

Mọi chuyện lại trở nên yên ắng trong tuần tiếp theo. Thủ phạm dường như đã quy ẩn. Nhưng chỉ được 7 ngày, một thanh niên lại trở thành nạn nhân của "lon nước may mắn".

Các biển báo được dán tại các máy bán hàng tự động cảnh báo mọi người không được uống đồ uống trừ khi chúng được lấy trực tiếp từ máy. Cảnh sát điều tra gắt gao nhưng các vụ giết người vẫn tiếp tục trong gần hai tháng với 7 án mạng tương tự. Trong tất cả trường hợp, các nạn nhân được phát hiện có paraquat trong dạ dày và được biết là đã uống đồ uống từ các máy bán hàng tự động ngay trước khi chết.

Nhà chức trách dán cảnh báo về các chai đồ uống chứa độc tại các máy bán hàng tự động. Ảnh: 80s

Nhà chức trách dán cảnh báo về các chai đồ uống chứa độc tại các máy bán hàng tự động. Ảnh: 80s

Ngày 17/11 lại xảy ra một vụ ngộ độc paraquat. Một cô gái 17 tuổi đến từ Saitama đã lấy một lon cola ở máy bán hàng tự động và uống cạn. Cô chết sau 7 ngày, trở thành nạn nhân nữ duy nhất, cũng là nạn nhân cuối cùng của series tội ác ở máy bán hàng tự động. Ngoài ra, cảnh sát cũng báo cáo hơn 30 trường hợp ngộ độc tương tự, nhưng may mắn giữ được mạng.

Nhiều thắc mắc được đưa ra, tại sao nhiều người lại sẵn sàng uống hết đồ uống bỏ quên ở máy bán hàng tự động. Nhưng hành động này hoàn toàn hợp lý với bối cảnh khi đó.

Năm 1965, Công ty Dược phẩm Otsuka bắt đầu sản xuất Oronamin C, một loại thức uống bổ dưỡng. Nó trở nên rất phổ biến trên khắp Nhật Bản sau khi ra mắt, nhiều năm thống trị thị trường.

Hai mươi năm sau, Oronamin C vẫn được các thế hệ lớn tuổi yêu thích, dù thị trường trẻ tuổi thích nước ngọt có ga hơn. Là một phần của chương trình khuyến mãi vào năm 1985, công ty Otsuka bắt đầu cung cấp những chai Oronamin C miễn phí tại các máy bán hàng tự động.

Đồ uống miễn phí sẽ được phát khi khách hàng mua hàng. Một số người sẽ vui vẻ nhận đồ uống miễn phí của họ. Những người không phải fan hâm mộ của Oronamin C sẽ bỏ đồ uống vào khe của máy bán hàng tự động hoặc trên đỉnh chiếc máy. Đối với những người không đủ tiền mua đồ uống, đó là món quà miễn phí được đánh giá rất cao.

Phản ứng lại 12 cái chết này, các công ty nước giải khát, dù không sẵn sàng tiết lộ số liệu, cho biết doanh số bán hàng của họ giảm không đáng kể. Họ cũng có xu hướng đổ lỗi cho các nạn nhân vì đã bất cẩn.

Ông Takeo Mizuuchi, phát ngôn viên của Hiệp hội các nhà đóng chai nước giải khát Nhật Bản, khi đó trả lời New York Times: "Giá như người tiêu dùng thận trọng hơn, họ sẽ thấy rằng các chai nước độc có dấu hiệu bị làm giả".

Đáp lại sự lo lắng của người tiêu dùng, tổ chức của ông Mizuuchi đã in 1,3 triệu miếng dán để dán lên máy bán hàng tự động, cảnh báo khách nên cẩn thận. Một giải thiết khác được các thương gia này nhắm tới, là 12 người này tự tử có chủ đích.

Bằng chứng là ngay năm trước, 1984, có 1.402 vụ tự tử được ghi nhận ở Nhật Bản. Paraquat thì mua không cần kê khai thông tin. Bộ Y tế sau đó đề xuất giám sát chặt chẽ hơn việc bán paraquat. Những người khác cũng khuyến nghị thắt chặt kiểm soát đối với máy bán hàng tự động và cải tiến cơ chế hoạt động của chúng. Các nhà sản xuất tất nhiên, không háo hức, bởi nó sẽ tiêu tốn của họ hàng triệu USD.

Quảng cáo đồ uống Oronamin C chụp năm 1979, đối tượng khách hàng chủ yếu là nam giới trung niên. Ảnh: The smart local

Quảng cáo đồ uống Oronamin C chụp năm 1979, đối tượng khách hàng chủ yếu là nam giới trung niên. Ảnh: The smart local

Cảnh sát Nhật Bản đã điều tra kỹ lưỡng và rộng rãi nhưng gặp nhiều khó khăn. Đồ uống chứa độc thường xuất hiện tại các máy bán hàng ít người qua lại, không có camera quan sát và không có nhân chứng. Xét nghiệm ADN pháp y không mang lại thông tin nào về kẻ giết người.

Không có bằng chứng nào trong tay, các thám tử đã tự mình kiểm tra 12 nạn nhân để phát hiện ra bất kỳ mối liên hệ nào có thể có giữa họ. Nhưng các vụ giết người diễn ra ngẫu nhiên, và hoàn toàn không có gì liên kết các nạn nhân.

Không có cách nào để tìm ra danh tính của kẻ giết người, cảnh sát chỉ có thể cố gắng ngăn chặn càng nhiều cái chết tiếp theo càng tốt. Họ phát tờ rơi cảnh báo ở nhiều nơi. Họ cũng yêu cầu các cửa hàng thuốc và các nhà bán lẻ paraquat cập nhật hồ sơ của bất kỳ ai đã mua hóa chất này.

Nhưng khi series tội ác chấm dứt sau cái chết cuối cùng của cô gái 17 tuổi vào tháng 11/1985, vụ án "chìm xuồng". Cảnh sát từ đó, tuyệt nhiên không công bố gì thêm thông tin về vụ án lạ lùng. Tuy nhiên, công chúng vẫn có những đồn đoán.

Giả thuyết thứ nhất, vụ Parquat liên quan "Quái vật 21 khuôn mặt", một kẻ đầu độc hàng loạt khác đã tàn phá ngành sản xuất thực phẩm của Nhật Bản một năm trước đó. Kẻ này khiến nhiều nhà sản xuất rơi vào tình thế phá sản khi tuyên bố đã tẩm xyanua vào nhiều loại kẹo khác nhau khiến công chúng tột cùng hoảng loạn, bài xích tất cả các loại kẹo.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng: không có ai thiệt mạng trong vụ kẹo xyanua năm 1984. "Quái vật 21 khuôn mặt" cũng thường xuyên để lại lời nhắn cho cảnh sát. Ngược lại, sát thủ máy bán hàng tự động hoạt động hoàn toàn trong bóng tối. Liên hệ duy nhất, là chúng xảy ra khá gần nhau về mặt thời gian.

Giả thuyết thứ hai, nổi lên từ sự thật rằng 11 trong 12 người chết là nam giới, đây không phải ngẫu nhiên. Có thể kẻ giết người là nữ và cố tình nhắm vào nạn nhân nam? Oronamin C chủ yếu tập trung vào người tiêu dùng nam giới và một số máy bán hàng tự động được cho là đã hoạt động ở những khu vực có nhiều nam giới qua lại.

Song, tính hợp lý của giả thuyết này lung lay, do sát thủ không có cách nào kiểm soát, chỉ khách hàng nam sẽ uống chai nước chứa độc. Phụ nữ cũng sử dụng máy bán hàng tự động. Bằng chứng là nạn nhân cuối cùng là cô gái 17 tuổi. Không có bằng chứng gì cho thấy, sát thủ vẫn ở lại hiện trường để đảm bảo nạn nhân chỉ là nam giới.

Giả thuyết thứ ba, sát nhân này có vấn đề với Oronamin C hoặc nhà sản xuất, nên quyết định đầu độc chúng để phá hoại danh tiếng doanh nghiệp. Nhưng sự thật là trong hơn 40 vụ ngộ độc, ngoài Oronamin C, còn có Real Gold của Coca- Cola bị tẩm paraquat.

Một câu hỏi khác cũng nằm trong ẩn số, là tại sao vụ án lại đột ngột dừng lại khi đủ 12 nạn nhân. Con số này cũng là ngẫu nhiên, hay đó là "chỉ tiêu" được sát thủ này định sẵn?

Vụ án đã hết thời hiệu điều tra khởi tố vào năm 2000 nhưng sau 38 năm, nó vẫn là thử thách liên tục được các thế hệ "thám tử Conan" khắp thế giới đào bới và suy luận.

Hải Thư (Theo NYT, Grunge, Mysterious Murders, JT)

Xem thêm: lmth.3011754-ihp-neim-coun-gnou-iougn-21-auc-tehc-iac-uas-gnud-na-ib-cod-uad-ek/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kẻ đầu độc bí ẩn đứng sau cái chết của 12 người uống nước miễn phí”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools