vĐồng tin tức tài chính 365

Lãi suất cho vay neo cao, doanh nghiệp loay hoay giải bài toán khó

2023-02-20 07:02

Doanh nghiệp “kêu trời” vì lãi suất cao

Thời gian qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để bổ sung nguồn vốn tín dụng, kéo giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong tháng đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi có dấu hiệu hạ nhiệt. Thống kê cho thấy hiện nay không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm 0,5 - 2% tùy từng kỳ hạn.

Tuy nhiên mức lãi suất cao nhất vẫn neo ở 9,5%/năm cho kỳ hạn dài. Tuy nhiên với mức xấp xỉ 10%/năm như hiện nay vẫn là quá cao đối với các doanh nghiệp.

Doanh thu giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính tăng, chủ yếu là gánh khoản lãi vay lớn khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp bị bào mòn. Điều này có thể thấy rõ thông qua báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Sản xuất, Kinh doanh, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), trong quý IV/2022, doanh thu thuần giảm 81%, chỉ đạt gần 262 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt gần 1.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 92%, thu về chưa đến 10 tỷ đồng.

Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 chỉ đạt hơn 4.156 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý IV/2022, doanh thu hoạt động tài chính của Vinatex đã tăng đáng kể lên gần 246 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng gấp đôi, lên hơn 192 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động liên doanh liên kết của Tập đoàn cũng giảm 19% trong quý IV, về còn 191 tỷ đồng.

Các chi phí ăn mòn lợi nhuận, Vinatex lỗ hơn 5 tỷ đồng quý IV/2022 và cũng là quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi cổ phần hóa (năm 2014) đến nay. Lãnh đạo Vinatex lý giải, kết quả thua lỗ này là do ảnh hưởng từ chính sách Zero-Covid của Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu của một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. Các công ty sợi thành viên của Tập đoàn đã phải trích đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phù hợp với giá thị trường.

Không chỉ ngành dệt may, mà doanh nghiệp các lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí tài chính tăng.

Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Minh Cường Nguyễn Anh Sơn chia sẻ: “Doanh nghiệp đang rất khó khăn do là lãi suất cho vay tăng cao, trong khi nguồn thu không ổn định. Vì thế, doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư, chỉ duy trì hoạt động cầm chừng để nghe ngóng tình hình. Lãi suất dự báo khó hạ xuống mức thấp và chúng tôi chưa biết sẽ kéo dài tình hình đến khi nào”.

Cùng chung khó khăn này, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hiện nay chỉ có nhu cầu giảm lãi suất chứ không có nhu cầu vay mới. Hầu hết doanh nghiệp đang phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có hạn mức tín dụng nhưng không dám đăng ký giải ngân, vì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí doanh nghiệp đội lên rất lớn.

Chia sẻ thêm về khó khăn của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, DN hiện có 5 vấn đề khó khăn hàng đầu đang gặp phải, gồm: Tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động thị trường, tìm kiếm nhân sự, tìm kiếm đối tác kinh doanh… Đặc biệt, hiện nay doanh nghiệp rất khát vốn, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang quá cao...

“Với mức lãi suất đi vay cao như hiện nay, nếu doanh nghiệp vay để đầu tư sản xuất không khác nào chữa khát bằng nước muối. Vì vậy chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách để sớm đưa nguồn vốn tín dụng đến với doanh nghiệp”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ với báo Kinh tế đô thị.

Mong mỏi hạ lãi suất

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA), ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị, các ngân hàng nên có sự đồng hành chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Cần có giải pháp rõ ràng, cũng như có lộ trình cụ thể trong vòng 6 tháng tới để kéo lãi suất dài hạn xuống, nhằm kích thích đầu tư.

“Với mức lãi suất dài hạn trên 10%/năm như hiện nay thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả”, ông Hòa thẳng thắn.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế, các doanh nghiệp rất khó tồn tại. Trong khi đó, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất, ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Chưa kể, đây là thời điểm tiền khó, nên doanh nghiệp và nền kinh tế cũng phải tính đến trường hợp này.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông chờ vào những cam kết, hành động cụ thể của phía ngân hàng, qua đó bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Còn TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, phân tích, muốn giảm được lãi suất cần cân bằng cung tiền, phối hợp cung tiền với chính sách tài khóa. Tức là vừa tăng cung tiền để lãi suất giảm nhưng phải vừa sử dụng chính sách tài khóa để giảm thuế nhập khẩu, giúp giảm giá hàng hóa, giữ ổn định lạm phát. Cần sự phối hợp vì hiện tại lạm phát cơ bản đã khoảng 5%, nếu tăng cung tiền, một mặt làm giảm lãi suất nhưng một mặt sẽ làm lạm phát tăng, vì vậy phải có sự đồng bộ của chính sách tài khóa để kìm giữ lạm phát như năm 2022.

Ở góc nhìn khác, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), hiện vẫn còn dư địa để giữ ổn định lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng. Đó là, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% (quy mô 40.000 tỷ đồng) khi gói này mới giải ngân chưa đáng kể. Việc này sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều công cụ để khuyến khích ngân hàng thương mại giữ mặt bằng lãi suất cho vay, như công cụ room tín dụng.

Minh Hoa (t/h theo Kinh tế đô thị, báo Đầu tư Online)

Xem thêm: lmth.885395a-ohk-naot-iab-iaig-yaoh-yaol-peihgn-hnaod-oac-oen-yav-ohc-taus-ial/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags: vay

“Lãi suất cho vay neo cao, doanh nghiệp loay hoay giải bài toán khó”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools