Chẳng hạn, Dự thảo quy định bắt buộc ghi nhãn dinh dưỡng theo cả hai cách: theo khối lượng và theo phần trăm giá trị dinh dưỡng tham chiếu. Điều này mâu thuẫn với hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng của Codex (cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới - FAO và Tổ chức Y tế thế giới –WHO xây dựng) và đa số các nước chỉ yêu cầu ghi 1 cách (theo khối lượng). Ghi theo hai cách sẽ gây tốn kém và khó thực thi, mà không có báo cáo đánh giá lợi ích đem lại là gì.
Dự thảo quy định ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm trước đó cũng bị nhiều doanh nghiệp trong nước không tán đồng (ảnh minh họa). |
Với quy định bắt buộc ghi phần trăm giá trị dinh dưỡng tính theo nhu cầu hàng ngày của người lớn là 2.000 kcal cho tất cả các sản phẩm từ trẻ sơ sinh cho đến người già, EuroCham cho rằng, yêu cầu này là phản khoa học, không phù hợp với quốc tế, gây tốn kém, nhầm lẫn cho người tiêu dùng, nguy cơ đối với sức khỏe nếu dùng sai do nhầm lẫn.
Bên cạnh đó, Dự thảo còn bắt buộc ghi 7 chất cho tất cả các thực phẩm, không dựa theo quản lý rủi ro, trong khi Malaysia, Singapore chỉ yêu cầu 4, Nhật Bản yêu cầu 5 chất. Ngoài ra, 3 trong số 6 giá trị dinh dưỡng tham chiếu khác với Codex. Dự thảo Thông tư quy định nhu cầu hàng ngày là Chất đạm 70g, Chất béo 56g, Carbohydrat 305g trong khi Codex quy định Chất đạm 50g, không quy định về Chất béo và Carbohydrat. EuroCham dẫn thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết các giá trị này được đưa ra dựa vào kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng 2019-2020 trong khi kết quả điều tra này chưa được Bộ Y Tế nghiệm thu. Yêu cầu này theo EuroCham sẽ gây tốn kém, khó thực thi mà không có bằng chứng lợi ích thu được là gì, không dựa trên quản lý rủi ro. Không phù hợp khi đưa ra chính sách dựa trên kết quả nghiên cứu chưa được nghiệm thu.
Một yêu cầu khác cũng bị tổ chức này cho là bất hợp lý là yêu cầu các thực phẩm sản xuất thủ công, như bánh chưng, bánh gai, mật ong bạc hà…. cũng phải ghi nhãn dinh dưỡng. Điều này có thể khiến các hộ sản xuất thủ công khó thực hiện được yêu cầu này, dẫn đến làm mất sinh kế của nhiều lao động và hộ gia đình tại nông thôn, nguy cơ bất ổn xã hội và đói nghèo. Quy định này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Chính phủ.
EuroCham đã đưa khuyến nghị ghi nhãn dinh dưỡng theo khối lượng. Chuyển yêu cầu ghi % giá trị dinh dưỡng tham chiếu từ bắt buộc thành khuyến khích, giống Codex quốc tế và đại đa số các nước trên thế giới.
Chỉnh lý các giá trị dinh dưỡng tham chiếu cho phù hợp với Codex. Điều chỉnh số chỉ tiêu dinh dưỡng cần ghi cho từng loại thực phẩm, áp dụng quản lý rủi ro: nhóm có nguy cơ cao về chỉ tiêu nào thì cần ghi nhãn chỉ tiêu đó, chứ không cào bằng, bắt tất cả các nhóm thực phẩm đều ghi nhãn giống nhau vừa tốn kém, vừa thiếu hiệu quả.
Cụ thể, với thực phẩm bao gói sẵn nói chung chỉ nên ghi nhãn 4 chỉ tiêu (năng lượng, chất đạm, chất béo, carbohydrat) thay cho 7 chất, giống các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, hoặc ghi nhãn 5 chất như Nhật Bản. Với thực phẩm chiên rán bao gói sẵn (ví dụ bimbim, mì ăn liền) ghi thêm hàm lượng chất béo bão hòa; với nước giải khát ghi thêm tổng đường; nước mắm thì chỉ bắt buộc ghi hàm lượng đạm và natri. Miễn ghi nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm bao gói sẵn sản xuất thủ công.
Quang Bình