Chuyến công du châu Âu chớp nhoáng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 8-2 vừa qua cho thấy viễn cảnh về một giải pháp hòa bình thỏa đáng cho đôi bên vẫn còn xa vời.
Những tiếng gọi hòa bình
Trong chuyến thăm Anh, Tổng thống Zelensky tặng Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle chiếc mũ của một phi công chiến đấu có mang dòng chữ "Chúng tôi có tự do, hãy cho chúng tôi đôi cánh để bảo vệ điều đó".
Hành động này không chỉ ngụ ý đề nghị Chính phủ Anh cung cấp thêm vũ khí và máy bay chiến đấu mà còn mang thông điệp về sứ mệnh bảo vệ nền tự do dân chủ của châu Âu mà Ukraine đang gánh vác. Nói như Lord Robertson, cựu tổng thư ký của NATO, với Đài BBC: "Họ (Ukraine) đang bảo vệ tiền tuyến của chúng ta", tiền tuyến của lục địa và tiền tuyến của các giá trị châu Âu.
Lãnh đạo hai nước lớn trong khối EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đều cam kết sẽ tiếp tục giúp Ukraine giành chiến thắng.
Song mọi sự không đơn giản như vậy. Theo ước tính của viện nghiên cứu độc lập Bruegel, tác động kinh tế của cuộc chiến đối với chi phí ngân sách trực tiếp ngắn hạn của EU và các quốc gia thành viên có thể lên tới 175 tỉ euro hoặc khoảng 1,1 - 1,4% GDP năm 2022.
Các chuyên gia đã đề cập tới các tác động chính đối với nền kinh tế EU như cú sốc nguồn cung do giá dầu và khí đốt tăng, tác động của các mối đe dọa địa chính trị đối với niềm tin của các hộ gia đình và tâm lý nhà đầu tư, nhu cầu hỗ trợ hàng triệu người tị nạn do chiến tranh, tăng chi tiêu cho an ninh và quốc phòng và hệ thống năng lượng mới của EU...
Những phong trào kêu gọi giải pháp hòa bình đã nổi lên ở châu Âu thời gian gần đây. Sau chuyến thăm châu Âu của ông Zelensky, hai nhà hoạt động chính trị được nhiều người Đức ủng hộ, Alice Schwarzer và Sahra Wagenknecht, đồng công bố bản "Tuyên ngôn vì hòa bình".
Bản tuyên ngôn kêu gọi Đức không cung cấp máy bay chiến đấu và không chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine, đồng thời thúc giục Thủ tướng Scholz "nên lãnh đạo một liên minh mạnh mẽ cho một cuộc đàm phán ngừng bắn và hòa bình ở cả cấp độ Đức và châu Âu".
Tới nay, bản tuyên ngôn đã thu thập được gần nửa triệu chữ ký. Trong số những người ủng hộ có Erich Vad, cựu cố vấn quân sự của cựu thủ tướng Đức Angela Merkel.
Hai nữ tác giả không đề cập đến cuộc đàm phán sẽ diễn ra như thế nào, nhưng khẳng định "Đàm phán không có nghĩa là đầu hàng. Đàm phán có nghĩa là thực hiện thỏa hiệp, từ cả hai phía" và kêu gọi một cuộc họp "vì hòa bình" tại Berlin nhân kỷ niệm tròn một năm chiến sự 24-2.
Trong khi đó, báo Le Monde của Pháp mới đây đăng tải lời kêu gọi chung cho hòa đàm có chữ ký của Bộ trưởng Xã hội Tây Ban Nha Ione Belarra, cựu chủ tịch Công đảng Anh Jeremy Corbyn, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, Tổng thống Colombia Gustavo Petro và chính trị gia tả khuynh Pháp Jean-Luc Mélenchon. Họ kêu gọi "tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao để tạo ra lệnh ngừng bắn và thiết lập các cuộc đàm phán cho một giải pháp hòa bình bền vững".
Áp lực dư luận gia tăng
Áp lực trong dư luận cũng gia tăng tại các nước châu Âu, đặc biệt là tại Ý và Áo. Theo khảo sát của Eurobarometer vào tháng 12-2022, 62% người Ý ủng hộ hoàn toàn hoặc một phần sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây cho thấy những lo ngại của người Ý về hậu quả của cuộc chiến đang gia tăng, trong khi tỉ lệ ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã giảm xuống dưới 50%.
Một khảo sát do Euroskopia, mạng lưới các viện nghiên cứu tại châu Âu, thực hiện trên chín quốc gia lớn và chủ yếu là Tây Âu thuộc EU cho thấy 48% những người tham gia khảo sát ủng hộ việc nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột cho dù điều đó có nghĩa là Ukraine phải từ bỏ một số khu vực mà Nga đã chiếm được trong thời gian qua.
Quan điểm này được hơn 60% người Đức và Áo ủng hộ. Trong khi đó, Ba Lan và Hà Lan là hai nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Tại Tây Ban Nha, các kết quả khảo sát cho thấy 55% người được hỏi ủng hộ một nền hòa bình nhanh chóng và sự sẵn sàng thỏa hiệp để chấm dứt chiến tranh, cho dù Thủ tướng Pedro Sánchez được đa số nghị sĩ quốc hội ủng hộ chính sách thân Ukraine của ông.
Dư luận các nước trong khối Scandinavia vẫn mạnh mẽ ủng hộ Ukraine, nhưng đã có những quan ngại về tác động của cuộc chiến lên cuộc sống của người dân.
Vào cuối tháng giêng vừa qua, đài truyền hình quốc gia DR1 của Đan Mạch đã thực hiện phóng sự về tình trạng những người có thu nhập thấp, người về hưu đã phải ngưng mua thuốc đặc trị để tiết kiệm chi tiêu. Một số chuyên gia và hiệp hội người bệnh đã lên tiếng cảnh báo lạm phát cao và khủng hoảng năng lượng đang làm gia tăng bất bình đẳng xã hội về y tế ở Đan Mạch.
EU mua chung đạn dược giúp Ukraine?
Theo Hãng tin Reuters, các ngoại trưởng EU dự kiến sẽ thảo luận về ý tưởng mua chung đạn dược, cụ thể là đạn pháo 155 li - loại mà Kiev đang rất cần - tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) vào ngày 20-2.
Các quan chức EU cho rằng cách tiếp cận chung sẽ hiệu quả hơn so với việc từng quốc gia thành viên đặt mua vũ khí riêng lẻ. Các đơn hàng lớn cũng sẽ giúp ngành công nghiệp vũ khí có thể đầu tư mở rộng sản xuất.
Các nghị sĩ Mỹ cho biết nhiều quan chức Ukraine kêu gọi các thành viên Quốc hội Mỹ gây sức ép để Chính phủ gửi máy bay chiến đấu phản lực F-16 cho Kiev.
Xem thêm: mth.28965353291203202-hnib-aoh-tahk-oahk-ua-uahc-eniarku-us-neihc-man-tom/nv.ertiout