Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 15/2 cho thấy bình quân giá xăng RON 92 dùng để điều chế xăng E5 RON 92 là 98,01 USD một thùng; RON 95 là 101,26 USD một thùng, tăng nhẹ so với kỳ điều hành trước đó. Ngược lại, giá dầu tiếp tục quay đầu giảm.
Giám đốc một doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM cho rằng giá nhập khẩu đang tăng so với kỳ trước nên xăng trong nước có thể điều chỉnh thêm 200-300 đồng một lít. Còn mặt hàng dầu giảm 400-700 đồng. Trường hợp nhà điều hành sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng sẽ giữ nguyên, còn dầu giảm khoảng 400 đồng một lít.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng xăng sẽ lên sát 24.000 đồng một lít, còn dầu về mốc 21.000 đồng, thấp hơn xăng 3.000 đồng mỗi lít.
Dù giá xăng tăng, theo các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ, hoạt động kinh doanh của họ vẫn khá khó khăn. Trước đó, hàng trăm doanh nghiệp đã gửi kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng để cầu cứu và góp ý sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.
Hôm 14/2, trong hội nghị được tổ chức bởi Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục cho rằng có nguy cơ vỡ nợ vì không có chiết khấu vẫn phải bán trong khi các "ông lớn" đầu mối cũng than lỗ nặng vì tỷ giá.
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 13/2, giá xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng một lít, lên 22.860 đồng; xăng RON 95 tăng lên 23.760 đồng.
Theo dữ liệu từ Oilprice sáng nay, giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 83,53 USD một thùng, tăng 0,53 USD, tương đương 0,64% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 76,76 USD một thùng, tăng 0,42 USD, tương đương 0,55% so với phiên liền trước.
Thị trường xăng dầu thế giới đang chịu ảnh hưởng của các yếu tố như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất. Lãi suất tăng khiến chi phí vay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng tăng theo, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với dầu mỏ và các sản phẩm nhiên liệu khác.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây dự báo tình trạng dư dầu có khả năng xảy ra vào đầu năm nay mặc dù nguồn cung có thể thắt chặt nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây làm giảm lượng dầu xuất khẩu của Nga. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang mua dầu Nga với giá chiết khấu khá sâu.
Thi Hà