Cách đây vài chục năm, quần thể gấu trúc hoang dã giảm dần do sự xâm lấn của con người. Chúng bị đưa vào danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở mức “nguy cấp”.
Khi gấu trúc dần biến mất khỏi tự nhiên, các phong trào bảo tồn tự nhiên nổ ra. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wildlife Fund - WWF) đã chọn gấu trúc làm biểu tượng vào năm 1961. Trung Quốc, Hoa Kỳ và các sở thú trên khắp thế giới đã thúc đẩy chiến dịch nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt với kinh phí hàng chục triệu USD. Trung Quốc cũng tạo ra hàng chục khu bảo tồn rừng để bảo vệ gấu trúc.
Nguyên nhân khiến gấu trúc bên bờ tuyệt chủng
Vào những năm 1970, để thể hiện thiện chí và duy trì tình hữu nghị, chính phủ Trung Quốc gửi gấu trúc hoang dã đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, từ những năm 1980, thay vì trao tặng, Trung Quốc bắt đầu áp dụng phương án “cho thuê” gấu trúc, trong đó các nước phải chi trả để gấu trúc có thể có mặt tại quốc gia đó trong vài tháng.
Trong cùng thời gian này, gấu trúc cũng phải đối mặt với những áp lực khác ngay tại quê hương của chúng. Diện tích rừng dần bị cắt xén để sử dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản và xây dựng nhà cửa. Không những môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn cũng cạn kiệt dần.
Về thức ăn, gấu trúc hầu như chỉ ăn tre. Mặc dù tre phát triển rất nhiều ở Trung Quốc, nhưng không thể đảm bảo nguồn cung ổn định cũng như dinh dưỡng cần thiết. Tre không có nhiều calo nên gấu trúc phải dành nửa ngày để ăn và tích trữ năng lượng. Tuy nhiên, chúng không thể tích đủ mỡ để ngủ đông.
Có những năm do điều kiện không thuận lợi, rừng tre nở hoa và cây tre sẽ chết. Vào những năm 70, hơn 100 loại tre chết cùng lúc. Nguồn dinh dưỡng lớn nhất của gấu trúc giảm đột ngột nên loài sinh vật này nguy cơ bị tuyệt chủng vì chết đói. Từ đó, chiến dịch bảo vệ gấu trúc toàn cầu đã được khởi động với chi phí hàng trăm triệu đô la mỗi năm.
Nỗ lực bảo tồn và khôi phục giống loài “kén ăn”
Trong nỗ lực đưa gấu trúc ra khỏi bờ vực tuyệt chủng, Trung Quốc và các tổ chức về bảo tồn thiên nhiên đã tiếp cận theo hai cách chính. Một là thiết lập hệ thống các khu bảo tồn cấm săn bắn, khai thác gỗ và các hoạt động có hại khác. Hai là tiến hành nhân giống quy mô lớn, điều mà chưa nước nào trên thế giới thực hiện.
Nuôi động vật trong điều kiện nuôi nhốt về mặt lý thuyết có thể giúp phục hồi quần thể động vật hoang dã đang suy giảm. Tuy nhiên, nhân giống gấu trúc là một trở ngại thật sự.
Gấu trúc cái chỉ rụng trứng một lần mỗi năm và trong vòng 1-3 ngày. Trong tự nhiên, những con đực sẽ tụ tập dọc theo các đỉnh núi vào mùa xuân và chờ những con cái đến để tiến hành giao phối. Trong môi trường nuôi nhốt các bác sĩ thú y cần phải tác động và tạo điều kiện cho cặp gấu trúc gặp nhau vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, những con gấu trúc nuôi nhốt này lại hình thành tập tính mới, chúng thích “gây gổ” với nhau hơn là giao phối.
Để kích thích gấu trúc giao phối, nhân viên có thể dùng đến cả viagra cho gấu hoặc chiếu “phim mát mẻ” về thế giới động vật cho chúng xem, thực tế điều này từng diễn ra tại một trong những cơ sở nhân giống nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. “Chúng tôi cho mấy con gấu xem phim, tụi nó có vẻ thích thú lắm. Sau đó thì mấy con gấu đã giao phối thành công”, một phát ngôn viên tại cơ sở nhân giống ở Thành Đô cho biết.
Một số phương pháp khác thì tiến triển lại không mấy tích cực. Nhằm kích thích khả năng sản xuất tinh dịch, bác sĩ đã gây sốc nhẹ cho tuyến tiền liệt của một chú gấu trúc đực tại Nhật. Xui rủi thay, chú gấu trúc qua đời. Nhân viên vườn thú cũng khó nhận biết liệu gấu trúc có mang thai hay không. Thông thường, trọng lượng sơ sinh của gấu trúc chỉ từ 85 đến 140 gram. Do đó, khi siêu âm, nhân viên rất dễ nhầm lẫn bào thai với phân của gấu trúc.
Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng, các bác sĩ thú y đã tìm ra cách để nhận biết chính xác thời điểm một con cái đang rụng trứng và động dục. Họ cũng biết được những con đực nào phù hợp hoàn hảo về mặt di truyền. Khi gấu trúc sơ sinh ra, các nhà khoa học cũng có cách để gia tăng tỷ lệ sống sót của chúng. Tỷ lệ sống sót của những con non bị nuôi nhốt ở Trung Quốc vào những năm 90 chỉ khoảng 10%. Ngày nay tỷ lệ này đã xấp xỉ 90%.
Các chú gấu trúc con thường xuyên được "kiểm tra sức khỏe" định kỳ
Các nhiếp ảnh gia đang chụp một chú gấu trúc đang ăn măng tại Sở thú Bronx ở New York vào khoảng năm 1947
Nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ diện tích đất rừng rộng lớn và tăng cường nhân giống nuôi nhốt đã đưa quần thể gấu trúc quay trở lại tự nhiên và thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Các ước tính gần đây nhất chỉ ra hơn 1.800 con gấu trúc đang sinh sống ở Tây Nam Trung Quốc và số lượng đang tăng lên. Năm 2021, Trung Quốc chính thức tuyên bố gấu trúc không còn là động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở mức “nguy cấp”.
Đa dạng sinh học bị đe dọa
Jason Gilchrist, nhà sinh thái học tại Đại học Edinburgh Napier cho biết, dồn nguồn lực vào các loài động vật phổ biến là phương pháp bảo tồn chính vào cuối thể ký 20. Nguồn tài trợ thu hút được cho một số loài tiêu biểu có thể trích một phần để hỗ trợ các loài động vật khác. Ngoài ra, bảo vệ đất đai cho một loài động vật này cũng có thể bảo vệ nơi cư trú cũng như nguồn thức ăn cho loài khác. Cách tiếp cận này được gọi là “bảo tồn đơn loài”.
Nhân viên gây giống đang chơi với gấu trúc con, ảnh được chụp năm 2007
Kể từ năm 2008, Ấn Độ đã tăng gấp đôi số lượng hổ trong tự nhiên. Số lượng khỉ đột núi ở Trung Phi và số lượng sói xám, đại bàng đầu bạc ở Mỹ cũng tăng lên. Tuy nhiên, với trường hợp của gấu trúc thì tình huống lại có nhiều khác biệt.
Kể từ năm 1970, khi chiến dịch giải cứu gấu trúc được đẩy mạnh, quần thể của hầu hết các nhóm động vật khác bao gồm chim, động vật có vú và cá đã giảm trung bình 69%. 1/5 số loài bò sát như cá sấu và rùa hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng. Vẹm và san hô - hai loài động vật đóng vai trò quan trọng với con người và các sinh vật khác cũng đang gặp nguy hiểm.
Tại sao lại như vậy?
Câu trả lời nằm ở môi trường sống được mở rộng ra của gấu gúc. Các khu bảo tồn có lợi cho loài này không có nghĩa là có lợi cho loài khác. Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Nature phát hiện số lượng bốn loài động vật ăn thịt lớn (báo hoa mai, báo tuyết, chó sói và chó sói lửa) đã suy giảm “dân số” trong môi trường sống của gấu trúc kể từ giữa thế kỷ 20.
Khi gấu trúc được bảo vệ quá mức, sẽ rất khó để động vật ăn thịt tiếp cận được. Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2021 cho thấy quần thể gấu đen châu Á, sơn dương Trung Quốc và hươu xạ rừng, cũng đã giảm mạnh.
Nuôi gấu trúc trong điều kiện nuôi nhốt cũng tạo ra sức ép tài chính lên các tổ chức bảo tồn. Vấn đề là các sở thú hiếm khi đưa gấu trúc trở lại tự nhiên vì loài này có bản năng sinh tồn thấp, vụng về, khó sống sót. Chúng không những dễ trở thành miếng mồi béo bở cho động vật khác mà đôi khi cũng tự làm hại mình. Ví dụ gấu trúc có thể ngã từ trên cây xuống và… chết.
Thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang gia tăng nhanh chóng, với hơn một triệu loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong khi những nhà hoạt động vì môi trường đang tập trung để giải cứu gấu trúc, thì rất nhiều loài động vật hoang dã còn lại trên hành tinh đang tiếp tục suy giảm.
Ví dụ, giun hay chồn có thể không được nhiều người “mến mộ” như gấu trúc, nhưng chúng cũng là những mắt xích cực kỳ quan trọng trong mạng lưới của hệ sinh thái. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn rộng hơn và có tính hệ thống hơn thay vì tập trung quá nhiều sức lực vào một loài vật “dễ thương”.