Hạ lãi suất: Cần thiết
Tại Hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra sáng 8/2/2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trước thềm hội nghị, ông cùng tổng giám đốc các ngân hàng đã thống nhất sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc là giảm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.
Thực tế cho thấy, có cơ sở để các lãnh đạo ngân hàng cùng đồng thuận hạ lãi suất. Ngay từ tháng 1/2023, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 đã có xu hướng giảm 0,2 - 0,6%/năm tại không ít ngân hàng thương mại cổ phần như SCB, Techcombank, HDBank, OCB…, chủ yếu ở các kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng trở lên. Bên cạnh đó, một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tối đa của các gói tiền gửi riêng biệt, chẳng hạn ACB và SHB giảm mức lãi suất huy động cao nhất xuống 9%/năm; OCB và MSB điều chỉnh mức lãi suất online kỳ hạn 12 tháng xuống 8,8 - 9%/năm.
Hiện tại, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất huy động vốn tối đa về dưới 9,5%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động vốn niêm yết của các ngân hàng thương mại cổ phần cao hơn so ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối từ 0,4 - 2,3%/năm, tùy kỳ hạn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận xét: “Nhìn chung, thanh khoản VND có xu hướng giảm bớt mức độ dồi dào, đặc biệt trong giai đoạn gần Tết Âm lịch vừa qua, chủ yếu do nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có xu hướng tăng mạnh theo chu kỳ mọi năm. Cân đối huy động vốn - tín dụng theo đó cũng ghi nhận sự thu hẹp mạnh trong bối cảnh huy động vốn gặp khó khăn và tăng trưởng thấp hơn so với tín dụng khoảng 0,5%”.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo BIDV, áp lực đối với thanh khoản VND trong tháng 1/2023 không quá căng thẳng, với sự hỗ trợ của 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dịch chuyển theo hướng hỗ trợ thanh khoản và nền kinh tế nhiều hơn, thông qua việc tăng cường bơm tiền qua thị trường mở (kênh OMO, tái cấp vốn), đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng sát Tết.
Thứ hai, nguồn cung ngoại tệ dịch chuyển theo hướng thuận lợi hơn tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ với khối lượng lớn, góp phần bổ sung dòng tiền VND cho thanh khoản và cải thiện tâm lý thị trường.
Thứ ba, hiện tượng ứ đọng dòng tiền ở kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước giảm bớt phần nào khi nguồn vốn đầu tư công của năm 2022 được thanh toán và thực hiện nốt trong tháng 1/2023.
“Đây cũng là các yếu tố hỗ trợ cho lãi suất huy động vốn VND tiếp tục giảm nhẹ tại một số ngân hàng thương mại trong tháng 1 và sang tháng 2/2023, thanh khoản dồi dào hơn giúp lãi suất VND tiếp nối đà giảm”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Quả vậy, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất VND đã chứng kiến xu hướng tiếp tục giảm tại một số ngân hàng thương mại trên thị trường 1, trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước dự kiến duy trì sự ổn định, đồng thời hướng nhiều hơn đến mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế khi áp lực từ thị trường quốc tế và tỷ giá nhìn chung “dễ thở” hơn. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn hơn và lạm phát dù ở mức cao so với trước nhưng dự kiến sẽ có xu hướng dịu bớt trong những tháng tới.
“Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành, điều tiết cung tiền linh hoạt qua kênh OMO, tín phiếu và có thể mua vào ngoại tệ trong điều kiện nguồn vốn ngoại tệ thuận lợi”, lãnh đạo BIDV nhận định.
Đáng chú ý, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng được cải thiện trong tháng 2/2023, nhờ lượng tiền mặt lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng theo chu kỳ sau Tết Âm lịch, bổ sung nguồn cung VND cơ bản cho hệ thống. Cân đối huy động vốn - tín dụng theo đó có xu hướng mở rộng trở lại, khi tăng trưởng huy động vốn tích cực hơn, ước tăng cao hơn so với tín dụng khoảng 0,3 - 0,5%.
“Các ngân hàng thương mại tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn bổ sung qua kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước và kênh OMO của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào được ngoại tệ trong giai đoạn đầu tháng 2 góp phần bổ sung nguồn cung VND cho thị trường”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Hạ lãi suất: Cẩn trọng
Với dự báo lạm phát năm 2023 khoảng 4%, cần đảm bảo lãi suất huy động khiến người dân có niềm tin, yên tâm gửi tiết kiệm ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng giảm lãi suất là động thái phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhưng phải tính toán điều chỉnh phù hợp, cân đối cẩn trọng, không hạ lãi suất huy động sâu ngay lập tức và đồng loạt để tránh những hệ lụy có thể xảy ra trong nền kinh tế.
TS. Hiếu phân tích, hạ lãi suất huy động có nghĩa tiền gửi của người dân vào ngân hàng không còn hấp dẫn. Với dự báo lạm phát năm 2023 khoảng 4%, cần đảm bảo lãi suất huy động khiến người dân có niềm tin, yên tâm gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Nhìn lại thời điểm từ năm 2020, lãi suất giảm mạnh là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân chuyển hướng đầu tư sang các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… để có nguồn lợi kinh tế lớn hơn. Hay nói một cách khác, những hệ luỵ của thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản mà Chính phủ và các bộ, ban, ngành đang căng mình giải quyết hiện nay một phần lý do chính đến từ việc lãi suất huy động hệ thống ngân hàng giảm mạnh”, TS. Hiếu nói.
Bên cạnh đó, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, cùng với việc hạ lãi suất huy động, ngân hàng sẽ phải tính toán đưa các chương trình ưu đãi để thu hút tiền gửi, đảm bảo tỷ lệ thanh khoản. Dự tính, đây sẽ là một khoản chi phí không nhỏ mà cùng với việc hạ lãi suất cho vay sẽ khiến lợi nhuận của ngân hàng bị giảm. Không thu hút tiền gửi sẽ không có nhiều tiền cho vay, cung tiền bị thu hẹp, lại cộng thêm cả rủi ro đối với các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ thì tình trạng căng thẳng thanh khoản như năm 2022 có thể quay trở lại.
“Một vấn đề hiện được xã hội rất quan tâm đó là ngân hàng hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp bất động sản. Tôi muốn chia sẻ rằng, các tổ chức tín dụng có những quy định riêng trong việc cho vay nhằm đảm bảo an toàn hệ thống nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do đó, chưa bàn đến chuyện hạ lãi suất cho vay mà trước tiên, nếu cho các doanh nghiệp bất động sản vay, ngân hàng buộc phải sàng lọc doanh nghiệp để tránh nguy cơ nợ xấu hình thành trong tương lai”, vị tổng giám đốc nói.
Liên quan đến vấn đề hạ lãi suất, ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia chứng khoán cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng giữa ba mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lạm phát có tín hiệu giảm, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro tăng trở lại ở Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần bổ sung dự trữ ngoại hối, sau khi bán ngoại tệ can thiệp thị trường trong nửa đầu năm 2022.
“Với việc dự kiến Fed tiếp tục tăng lãi suất điều hành lên 5%/năm trong thời gian tới, làm giảm “gap” (khoảng cách) lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD, tôi cho rằng, dư địa giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là không nhiều. Nếu nền kinh tế Mỹ và châu Âu không hạ cánh mềm như thị trường đang kỳ vọng, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) quay ngược ra, Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá và khi đó lãi suất đã hạ nhiều rồi, thì Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ lại phải tăng lãi suất, làm mất đi tính ổn định của chính sách”, ông Tường nói.